Sau lệnh rút quân đội khỏi Afghanistan khiến Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát đất nước này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt, trong đó có những đồng minh trong và ngoài nước.
Trước báo giới, ông Biden đổ lỗi việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan là do quân đội nước này không sẵn sàng chiến đấu. Điều này đi ngược với tính cách đồng cảm, được đánh giá như tinh thần chính trị nổi bật của vị tổng thống này.
Bên cạnh đó, ông Biden thường truyền đi thông điệp ủng hộ nhân quyền và hỗ trợ đồng minh. Đây được coi là một trong những chính sách trọng tâm đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Hình ảnh người Afghanistan giẫm đạp lên nhau, tuyệt vọng vây kín sân bay Kabul và máy bay Mỹ khiến nhiều người bàng hoàng xen lẫn thất vọng trước hành động của Mỹ. Vấn đề đặc biệt được quan tâm là phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan sẽ ra sao sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước?
Trước đó, khi nắm quyền, các tay súng đã cấm phụ nữ, trẻ em gái được đi học hay làm việc. Họ chỉ có thể ra ngoài khi đi cùng đàn ông, phải trùm burqa. Thông điệp ủng hộ nhân quyền của ông Biden đang bị lung lay trước tương lai của phụ nữ và trẻ em gái nơi đây.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã gửi thư cho ông Biden để yêu cầu giải trình về cuộc khủng hoảng Afghanistan. Trong đó, yêu cầu ông Biden giải đáp thắc mắc về số lượng người Mỹ còn ở Afghanistan, kế hoạch sơ tán người Mỹ bên ngoài Kabul hay số người Mỹ tại Afghanistan không thể liên lạc được.
Những nước đồng minh của Mỹ cũng chỉ trích gay gắt hành động rút quân. Tại Anh, nhà lập pháp đảng Bảo thủ Tom Tugendhat cho rằng, việc ông Biden nghi ngờ lòng dũng cảm của quân đội Afghanistan là “đáng xấu hổ”. Trong khi ông Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do bình luận rằng, Tổng thống Mỹ “không nhận thức được” những gì xảy ra hiện nay.
Tại Đức, ông Armin Laschet, ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, đánh giá việc Mỹ rút quân là “thất bại lớn nhất mà NATO trải qua kể từ khi thành lập”. Tổng thống Pháp hầu như không nhắc đến Mỹ khi nói về việc sơ tán nhân viên khỏi Afghanistan, chỉ nói về những người đồng cấp châu Âu.
Khó khăn tiếp tục bủa vây chính quyền Tổng thống Biden trước tình hình sơ tán công dân Mỹ hay giải cứu những người Afghanistan từng hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ. Dù Mỹ cam kết về việc rời đi an toàn, nhiều người Afghanistan ủng hộ cuộc chiến của Mỹ vẫn gặp rắc rối, không thể di tản.
Hiệu quả của những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban về an ninh sân bay và các chuyến di tản cũng không rõ ràng. Quân đội Mỹ khẳng định, cuộc đàm phán đã thành công.
Tuy nhiên, nhiều người đã bị hành hung và đe dọa khi tìm đường đến sân bay Kabul. Đại sứ quán Mỹ cũng không bảo đảm lộ trình an toàn cho người dân di chuyển đến sân bay.
Bất ổn liên tiếp xảy ra trong khi chính quyền Tổng thống Biden không thể khỏa lấp những bức xúc, khiếu nại lẫn kiến nghị xung quanh cuộc khủng hoảng Afghanistan. Kết quả cuộc thăm dò của Reuters/Ispos ngày 16/8 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm xuống còn 46%, mức thấp nhất từ khi ông nhậm chức.