Đoàn Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (Điểm đào tạo tại TP Cần Thơ) phối hợp Nhà xuất bản Công an nhân dân – Cơ quan đại diện Cục Truyền thông Công an nhân dân tại TPHCM tổ chức trưng bày, giới thiệu sách “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” và giao lưu với tác giả, nhà văn Trầm Hương.
Giao lưu với tác giả, nhà văn Trầm Hương và các nữ Thanh niên xung phong. |
Tại buổi giao lưu, Thượng tá Trần Thanh Hà - Đại diện Nhà xuất bản Công an nhân dân, Cơ quan Cục Truyền thông CAND tại TPHCM đã chia sẻ những thông tin quý báu về nguồn gốc, lịch sử, sự ra đời của con đường mang tên 1C cũng như quá trình đưa tác phẩm “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” đến bạn đọc trong và ngoài lực lượng CAND.
Đại biểu và học viên tham dự buổi giao lưu. |
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ hành trình tìm lại ký ức, tái hiện cuộc đời những cô gái miền Tây trẻ măng ở nơi “sắt thép bị nung chảy” nhưng các chị đã trụ vững, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men… phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam Bộ.
Cùng đó, các nữ Thanh niên xung phong – những nhân vật trong sách trực tiếp kể lại những câu chuyện đầy khó khăn gian khổ đã từng nếm trải trong đấu tranh giành lại hòa bình, độc lập cho đất nước như ngày hôm nay.
Thượng tá Trần Thanh Hà - Phó trưởng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND phía Nam tại TPHCM chia sẻ về quyển sách Đường 1C huyền thoại. |
Bạn Trương Huỳnh Như – Học viên Trung đội B1 CSĐT LT27 – Kiên Giang tham dự hoạt động này cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang, nơi tuyến Đường 1C đi qua đầy máu lửa, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe những câu chuyện được kể lại từ chính những nhân chứng sống bước ra từ trang sách bản thân cảm thấy rất xúc động và tự hào... Từ đó, tiếp thêm động lực cho bản thân, mình sẽ cố gắng hết sức phấn đấu học tập, rèn luyện và công tác tốt để đền đáp xứng đáng với những hy sinh vĩ đại của các thế hệ đi trước”.
Các bạn trẻ tặng hoa tri ân tác giả sách và các cựu nữ Thanh niên xung phong. |
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục phát động phong trào đọc sách trong đoàn viên, thanh niên, học viên Nhà trường; từ đó xây dựng, phát triển thói quen, hình thành nhu cầu, kỹ năng và văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh.