Sống lại ký ức Điện Biên

GD&TĐ - Thanh Hoá góp hàng trăm nghìn dân công, gần 30 triệu ngày công, hơn một vạn phương tiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chương trình văn nghệ trong buổi tri ân tái hiện khí thế hào hùng chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: MH)
Chương trình văn nghệ trong buổi tri ân tái hiện khí thế hào hùng chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: MH)

Sáng 6/4, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, tổ chức chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Toàn cảnh hội nghị. (Ản: NT)
Toàn cảnh hội nghị. (Ản: NT)

Dự buổi gặp mặt có khoảng 800 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng thân nhân các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: MH).

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: MH).

Theo thống kê, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công.

Hàng trăm chiến sĩ Điện Biên Phủ có mặt trong buổi gặp mặt. (Ảnh: MH)
Hàng trăm chiến sĩ Điện Biên Phủ có mặt trong buổi gặp mặt. (Ảnh: MH)

Đặc biệt, trong 56 ngày đêm, Thanh Hóa đã huy động hơn 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 ô tô, 180 xe trâu vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến. Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo, vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng...

Cụ Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi, quê xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) xúc động nhớ lại những ngày cùng lực lượng công binh tiến hành mở đường vào Điện Biên Phủ.

Cụ Nguyễn Trọng Áp kể lại những kỷ niệm cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: NT)

Cụ Nguyễn Trọng Áp kể lại những kỷ niệm cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: NT)

Cụ Áp vừa xúc động vừa tự hào khi kể về những ký ức “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Ngoài 90 tuổi, cụ Áp vẫn minh mẫn nhớ từng trận đánh.

Cụ bộc bạch: “Nhìn lại những hình ảnh quý giá, những trận đánh năm xưa, tôi như trở về một thời ký ức hào hùng. Chỉ tiếc là nhiều đồng đội của tôi đến nay đã không còn, có người còn thì yếu quá không đến được”.

Những hình ảnh tư liệu về ký ức Điện Biên được trưng bày tại nơi gặp mặt. (Ảnh: tư liệu)
Những hình ảnh tư liệu về ký ức Điện Biên được trưng bày tại nơi gặp mặt. (Ảnh: tư liệu)

Đọc diễn văn tại buổi gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

"Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp và là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc", Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Điện Biên Phủ nằm ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn...

Trong những ngày tháng ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều những tấm gương anh hùng nh chiến sĩ Đới Sỹ Trầu (quê huyện Quảng Xương), liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; là những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc, quê thị xã Thanh Hóa, đã đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg, rồi trên 300 kg mỗi chuyến...

Tại nơi diễn ra buổi gặp mặt, Ban tổ chức đã trưng bày, triển lãm hàng trăm tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh lịch sử hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ