Song hành phản biện và minh họa

Song hành phản biện và minh họa
“Đồng nghiệp đánh giá tôi là một ông hiệu trưởng “dám” va chạm. Nhưng “dám” va chạm, “dám” chân thật thì lúc nào cũng thấy dễ thanh thản (PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Dù là ý kiến phản biện hay minh hoạ thì cũng va chạm, bởi bao giờ trong cuộc sống cũng song hành cả hai lực lượng này. Cho nên, nguyên nhân  va chạm ở đây có lẽ lại chính bởi sự chân thật. Trung ngôn nghịch nhĩ mà! Nhưng một cuộc trò chuyện “trung ngôn” với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng thì không nghịch nhĩ, ít nhất đó là suy nghĩ của người đối thoại cùng ông.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường đại học xây dựng Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường đại học xây dựng Hà Nội

*Thưa TS, ông quan niệm thế nào về phản biện và minh hoạ?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Phản biện và minh hoạ cần thiết như nhau, nó như hai mặt của một vấn đề, bởi không có gì thoạt kỳ thuỷ đã toàn thiện toàn mỹ, đã là chân lý. Vì vậy, cần phải hoàn thiện nó, bằng cách làm rõ cái đúng (minh hoạ) và chỉ ra cái chưa đúng, chưa phù hợp (phản biện). Thực ra, trong minh hoạ cũng đã có phản biện và ngược lại, trong phản biện cũng có minh hoạ. Minh hoạ là làm rõ hơn và hiện thực hóa ý tưởng, còn phản biện là phân tích logic các khía cạnh khác nhau, nhằm làm cho ý tưởng hoàn thiện hơn. Phản biện hay minh họa là hai mặt của một vấn đề, chúng hỗ trợ nhau. Dù phản biện hay minh hoạ cũng đều cần có trình độ, trách nhiệm và lương tâm. Vấn đề quan trọng là động cơ của sự phản biện hay minh hoạ; không được cá nhân hay phản lại lợi ích của cộng đồng. Qua việc phản biện hay minh hoạ của một người đều có thể đánh giá được trí tuệ, ý thức trách nhiệm, tư cách đạo đức của người đó.

*Nhưng thường thì không mấy ai thích nghe phản biện và vì thế, người phản biện dù rất có trí, có tâm, có trách nhiệm thường phải chịu thiệt thòi…

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Thế cho nên Lưu Gù thì khổ mà Hoà Thân thì sướng! (Theo nghĩa vật chất và quyền lợi) (cười) Nhưng điều đó phụ thuộc vào đối tượng nghe phản biện hay minh hoạ. Biết lắng nghe cũng là thể hiện tài năng, trí tuệ, lương tâm và trách nhiệm của người nghe (mà nói cụ thể hơn là nhà quản lý). Anh nào không chịu nghe phản biện, anh ấy chỉ có mà dậm chân tại chỗ. Còn anh nào chỉ thích nghe minh hoạ, phụ hoạ, vào hùa, tâng bốc thì  có lúc gặp rắc rối . Có nhièu anh chẳng dám phản biện bao giờ, bởi sợ đối tượng phản biện giỏi hơn mình thì việc phản biện lại chỉ lòi ra cái dốt của mình. Còn có anh không dám phản biện vì sợ sếp, sợ mất quyền lợi cá nhân. Như vậy, để phản biện được thì đòi hỏi phải có trí, và tất nhiên là có tâm, không có động cơ cá nhân.Qui trình nên là phản biện trước, minh họa sau.

Người đứng đầu giỏi là người có tầm nhìn chiến lược và biết dùng người, cũng là người chịu nghe phản biện và minh hoạ một cách tỉnh táo, sáng suốt. Chẳng ai có thể là thánh để mà ra chủ trương nào là chuẩn chủ trương đó, ra chính sách nào là đúng chính sách đó. Phải dựa vào trí tuệ và lương tâm của tập thể. Như thế là dân chủ. Muốn dân chủ được thực sự thì phải nâng cao cả “quan trí” lẫn “dân trí”.
*Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện được chắc không dễ dàng gì? Ví dụ ở Trường ĐH xây dựng…

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Tôi cũng thấy mừng rằng ở trường tôi có nhiều cố gắng thực hiện dân chủ hóa nhà trường. Mọi việc đều trao đổi một cách cởi mở, chưa hiểu đâu thì giải thích, thống nhất rồi là thực hiện. Trong hội nghị công chức, mọi chất vấn đều được trả lời cặn kẽ, không sợ kéo dài thời gian. Ví dụ cách đây 4 năm, tôi nêu ra ý tưởng đổi tên trường thành Đại học tổng hợp xây dựng và kiến trúc, một số người đã gắn bó lâu với trường có ý phản đối . Tôi nói: Thực ra đây không phải chỉ là việc đổi tên mà còn là một sự nâng cấp. Trân trọng và gìn giữ không có nghĩa là ôm lấy quá khứ mà phải phát triển nó, không chỉ vì những người đã sống mà còn phải vì cả những người đang và sẽ sống ở đây. Mô hình Đại học tổng hợp phát huy sức mạnh tổng hợp để giải quyết những bài toán tổng hợp, liên ngành, thích ứng với nhu cầu đa dạng và đầy biến động của cuộc sống. Tất nhiên có thể ý tưởng dù tiên tiến cũng không thể thực hiện ngay, nhưng mình phải dự báo được tương lai để tiến hành các bước phù hợp. Giải bài toán trong từng lĩnh vực riêng hay toàn cục ở Việt Nam đều phải như vậy, không thể chắp vá; phải mang tính chiến lược chứ không chỉ là những giải pháp tình thế, được chăng hay chớ; phải biết liệu xa cho khỏi phải lo gần đối với bài toán cung - cầu…Đã có cơ sở như vậy để lập kế hoạch thì làm sao mà không dám đối diện với sự phản biện?

*Tuy nhiên, ranh giới giữa tích cực và tiêu cực trong phản biện cũng như minh hoạ cũng dễ bị lấp liếm, mà người ta hay gọi là sự đánh tráo khái niệm…

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Đúng thế, thái quá bất cập. Phản biện hay minh hoạ quan trọng là ở động cơ, và liều lượng cũng là tiêu chí quan trọng. Ví dụ gây được phong trào là minh hoạ tốt cho chủ trương, nhưng nếu đẩy lên quá mức thì lại biến ý tưởng thành nạn nhân. Hay như phản biện một công trình khoa học nào đó chẳng hạn, thực chất là để hoàn thiện việc đánh giá công trình đó, làm cho công trình có giá trị hơn, tuy nhiên cũng khó tránh thiện ý trong quá trình phản biện. Phải rất tỉnh táo khi làm việc này.

Chính sách, chủ trương, đường lối và quyết sách thực chất là những công trình khoa học có ảnh hưởng lớn tới xã hội, gắn với con người nên những công trình này nên được phản biện một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, từ những góc độ khác nhau, các tầng lớp khác nhau theo một hệ thống, một qui trình có tính khách quan và trung thực. Lúc ấy, chính sách, chủ trương, đường lối và quyết sách mới đi vào cuộc sống và có tác dụng đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chủ trương, đường lối, chính sắch và quyết sách xuất phát từ thực tiễn và được hoàn thiện để quay lại phục vụ cuộc sống xã hội thì tính hiệu quả càng cao. Đó cũng là qui luật: cái gì không đi từ cuộc sống thì khó nhập vào cuộc sống được. Ở nước ta hiện nay việc phản biện xã hội và phản biện nói chung ở các cấp cũng đang được đề cao.

*Cũng có khi, ở một hội nghị nào đó, ý kiến phản biện và minh hoạ đều có với liều lượng rất “chuẩn”, xem ra cũng sôi nổi lắm, nhiều chiều lắm, và có vẻ rất dân chủ, nhưng nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy sự thực không phải như vậy…

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Phản biện hay minh hoạ cũng vậy, điều quan trọng phải tính đến là sao cho thực chất, hiệu quả chứ không phải làm cho có, làm hình thức. Để phản biện và minh hoạ có thực chất, hiệu quả thì phải có điều kiện.

Điều kiện đó, theo tôi là một qui trình chuẩn mực, khoa học, khách quan. Quy trình ấy là biểu hiện tinh dân chủ trong một hoàn cảnh phù hợp, và phải đảm bảo ổn định xã hội. Có ổn định mới phát triển. Chớ đánh đồng dân chủ với gây rối nhằm động cơ không xây dựng. Phải loại trừ duy ý chí, chủ quan, phi dân chủ khi tiếp nhận phản biện. Ở nước ta trong đang tiến hành quá trình  dân chủ hóa ngày một cao hơn, cho nên việc phản biện và minh họa cũng đang diễn ra ngày một qui mô lớn hơn.

*Vậy qui trình ở Trường ĐH xây dựng là như thế nào? “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám”, có đúng vậy không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Tôi cho rằng khi nói về điều đó ở trường tôi, nó không phải là sản phẩm của riêng, mà là sản phẩm của ý chí và trí tuệ của tập thể. Có lẽ ai cũng hiểu,cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì lợi ích của quần chúng mà. Quy trình quản lý ở trường tôi là: Ban giám hiệu đề xuất ý kiến, thông qua Đảng uỷ và Công đoàn, đưa xuống các khoa để cán bộ viên chức đóng góp ý kiến rồi mới chính thức hoá thành văn bản. Báo cáo kế hoạch đầu năm, Tổng kết cuối năm, đề cương, qui định, qui chế…đều làm theo qui trình như vậy. Mọi chủ trương chính sách của nhà trường liên quan đến cán bộ nhân viên đều có sự tham gia của tổ chức công đoàn, liên quan đến sinh viên thì có hội sinh viên. Chính những tổ chức quần chúng này là địa chỉ minh hoạ và phản biện tốt nhất. Mọi ý kiến phản biện và minh hoạ của họ đều được tiếp nhận và xem xét, tiếp thu hoặc giải thích lại một cách nhanh chóng, trên cơ sở hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Cuối cùng thì cũng chính họ là những lực lượng thực thi sau này, tạo nên một sự đồng thuận trong mọi hoạt động chung.

Tôi cho rằng, trong một môi trường có phản biện và minh hoạ song hành một cách trong sáng, lành mạnh như vậy thì không thể nào không phát triển. Mỗi cơ sở hay cả xã hội cũng đều thế, như mỗi tế bào lành mạnh sẽ tạo nên một cơ thể lành mạnh.
*Câu chuyện về minh hoạ và phản biện có thể sẽ còn tiếp tục. Nhưng dù sao cũng xin cảm ơn ông đã cho một “lát cắt” sắc gọn về cặp phạm trù này. Hi vọng đây sẽ là một gợi ý hay cho những “lát cắt” tiếp theo, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều chiều…
                        Nguyễn Thị Trâm (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.