Sơn La: Thực hư chuyện “lạm thu” ở trường Mầm non thị trấn Sông Mã

GD&TĐ - Trước thông tin cho rằng, Trường Mầm non thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) xảy ra tình trạng lạm thu, các bên liên quan đều phủ nhận. Phòng GD&ĐT huyện đã vào cuộc.

Học sinh lớp mẫu giáo A Trường Mầm non thị trấn Sông Mã tham gia hoạt động ngoài giờ.
Học sinh lớp mẫu giáo A Trường Mầm non thị trấn Sông Mã tham gia hoạt động ngoài giờ.

Thiếu cơ sở…(?)

Có thông tin cho rằng: Phụ huynh Trường Mầm non thị trấn Sông Mã phản ánh: Ngoài các khoản thu theo quy định được kiểm tra, giám sát, nhà trường vẫn có những khoản được cho là “lạm thu” trên danh nghĩa là “tự nguyện” hay “thỏa thuận”.

Cụ thể, thông tin cho biết, một học sinh không thuộc diện miễn giảm sẽ phải đóng 9 khoản tiền khác nhau bao gồm: Quỹ xã hội hóa giáo dục (XHHGD) 520.000 đồng; quỹ hội (115.000 đồng); học phí; ủng hộ trang trí lớp (150.000 đồng); đồ dùng học tập (136.000 đồng), đồ dùng thiết bị nấu ăn (50.000 đồng); thuê cô nấu ăn cho trẻ 40.000 đồng/1 trẻ/8 tháng (320.000 đồng); mua xe đẩy thức ăn 15.000 đồng/1 trẻ/8 tháng (120.000 đồng); quỹ hoạt động lớp (100.000 đồng) thu hộ phụ huynh. Tổng tiền thu đầu năm học mà mỗi phụ huynh phải đóng là 1.853.000 đồng (chưa bao gồm tiền ăn).

Đặc biệt, phản ánh cho rằng: “Trong năm học 2020 – 2021, tiền XHHGD là 380.000 đồng, năm nay tăng lên 520.000 đồng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn”.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã - cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, phòng GD&ĐT đã đi kiểm tra, xác minh. Kết quả, một số thông tin được chia sẻ là không chính xác, chưa phản ánh đúng tình hình ở Trường Mầm non thị trấn Sông Mã”.

Ông Viên khẳng định: “Quỹ XHHGD, nhà trường không đứng ra vận động và thu. Việc này do Ban Chỉ đạo XHHGD thị trấn Sông Mã vận động và tiếp nhận ủng hộ”.

Theo ông Viên, mô hình XHHGD đã được UBND huyện Sông Mã triển khai từ năm 2016. Mục tiêu thành lập với mong muốn vận động ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học của các trường. Lý do bởi nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Ông Nguyễn Văn Tam - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Mã (Trưởng ban Chỉ đạo XHHGD thị trấn Sông Mã) - nói: “Quỹ do Ban Chỉ đạo thị trấn đứng ra vận động và tiếp nhận. Ban Chỉ đạo thị trấn Sông Mã không đưa ra mức vận động cụ thể. Tại Hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh đã bàn bạc và thống nhất: Việc ủng hộ tùy tâm của phụ huynh”.

Năm học này Trường Mầm non thị trấn Sông Mã có 642 học sinh. Trong đó, 515 trẻ ăn bán trú. Ban giám hiệu (BGH) cho biết, trường chỉ thu tiền thiết bị nhà bếp và thuê nhân viên nấu ăn với những trẻ diện bán trú. Việc làm này  được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh.

Lý do mà BGH đưa ra là do trường không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách. Vì thế, việc thu 50.000 đồng/trẻ/năm là để mua sắm bổ sung đồ dùng nhà bếp, gồm: Đóng tủ úp khay, thay quả lọc nước hàng tháng, bổ sung đồ dùng (dao, thớt, nước rửa bát…) đóng bảng công khai tài chính bán trú, bảng quy tắc chế biến thực phẩm…

Theo ông Viên, thông tin nhà trường thu 15.000 đồng/8 tháng/học sinh để mua xe đẩy thức ăn là chưa chính xác. Bởi, trường chỉ thu 15.000 đồng/trẻ/năm. Phần đóng góp trên chỉ triển khai đối với học sinh ăn bán trú ở khu trung tâm (400 trẻ) do lớp học cách xa nhà bếp.

Ngoài ra, với khoản thu 40.000 đồng/trẻ/8 tháng thực học để thuê người nấu ăn cũng đã có sự thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh. Việc tổ chức thu số tiền trên do năm học này trường có 515 trẻ ăn bán trú nhưng chỉ có 5 nhân viên nhà bếp. Trường phải thuê thêm 5 cô nuôi. Để trả thù lao cho những người này chỉ có thể dựa vào nguồn đóng góp của phụ huynh.

Đồ chơi trang trí lớp học do các cô giáo ở Trường Mầm non thị trấn Sông Mã sáng tạo.
Đồ chơi trang trí lớp học do các cô giáo ở Trường Mầm non thị trấn Sông Mã sáng tạo. 

Cô giáo truyền đạt chưa rõ

Bà Lê Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường không thực hiện thu khoản đóng góp Quỹ hội với số tiền 115.000 đồng/trẻ. Đây là Quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động và thu để thực hiện các hoạt động của Ban trong một năm học”.

Ông Trần Ngọc Lâm - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non thị trấn Sông Mã - cho biết: “Đầu năm học, Ban đã tổ chức họp, bàn bạc và thống nhất số tiền sẽ phải nộp. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh nên chỉ có đại diện phụ huynh tham gia họp và triển khai về lớp. Quỹ này để phục vụ cho hoạt động của Hội như: Tổ chức Tết Trung thu, quà 1/6, các hội thi, khuyến học, phần thưởng cuối năm, thăm hỏi những cháu không may ốm đau… khoản quỹ này đều chi cho các cháu”.

Ông Dương Thục Dũng, phụ huynh có con học tại lớp mẫu giáo nhỡ C, chia sẻ: “Quỹ lớp mang tính tự nguyện, không cào bằng. Quỹ đóng góp trên tinh thần tự nguyện, có gia đình đóng góp 20.000, 30.000 đồng cũng không sao cả. Ở thị trấn này cũng có một số gia đình khó khăn nhưng mọi người vẫn ủng hộ”.

Bà Đoàn Thị Phấn – mẹ của bé Đỗ Thị Ninh Hòa - nói: “Quỹ lớp đều được phụ huynh ủng hộ. Ban đại diện của lớp không thể đến đây từng ngày để thu được nên có nhờ cô giáo thu giúp”.

Về khoản tiền mua đồ dùng học tập (150.000 đồng/trẻ); đồ trang trí lớp (136.000 đồng/trẻ) và quỹ lớp (100.000 đồng/trẻ), bà Xuân cho biết, trường không thu khoản đóng góp này. Việc tổ chức thu là do Ban đại diện học sinh các lớp thỏa thuận, thống nhất.

Theo bà Xuân, về khoản tiền mua đồ dùng học tập, cô giáo chỉ liệt kê những danh mục cần mua. Tùy lớp mà sẽ có phương thức mua khác nhau: Có lớp phụ huynh tự túc, có lớp nhờ Ban đại diện phụ huynh đứng ra mua giúp.

Về quỹ trang trí, Ban đại diện phụ huynh các lớp sẽ cùng đi mua, nhà trường không liên quan đến khoản tiền này.

“Năm học này, nhiều giáo viên mới về nhận công tác và do dịch bệnh nên các lớp linh hoạt hình thức họp phụ huynh. Trường đã dạy và học trực tiếp nhưng để hạn chế tập trung nơi đông người, một số lớp tổ chức họp online. Vì thế, có thể thông tin truyền tải tới phụ huynh còn có chỗ chưa rõ, gây hiểu nhầm giữa phụ huynh và nhà trường”, bà Xuân chia sẻ.

“Ngay khi phát hiện ra mình sai, cô giáo có liên quan đến sự hiểu lầm trên đã xin lỗi trên nhóm Zalo của lớp và gặp mặt phụ huynh tham gia buổi họp đó để mong phụ huynh thông cảm”, bà Xuân nói tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...