Sơn La: Rà soát, di chuyển điểm trường, lớp học khỏi nơi có nguy cơ lũ quét, ngập lụt

GD&TĐ - Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trường lớp học, ngành Giáo dục Sơn La đã kịp thời rà soát, thống kê thiệt hại, đồng thời chỉ đạo tăng cường ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ để khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch.

Trường Tiểu học và THCS xã Nà Ớt hầu như không còn lại tài sản gì sau lũ, giáo viên, nhân viên nhà trường đang vớt vát lại đồ dùng bếp ăn bán trú của học sinh.
Trường Tiểu học và THCS xã Nà Ớt hầu như không còn lại tài sản gì sau lũ, giáo viên, nhân viên nhà trường đang vớt vát lại đồ dùng bếp ăn bán trú của học sinh.

Từ đêm 27 đến ngày 31/8, tại Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc có mưa lớn gây ra lũ, làm thiệt hại về tài sản và hoa màu. Trong đó, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, nhà cửa của người dân.

Tính đến ngày 31/8, tại tỉnh Sơn La, diễn biến mưa lũ có nhiều phức tạp, nhiều bản, xã vẫn còn cô lập, ngập sâu trong nước; các huyện bị thiệt hại nặng nề phải kể đến là Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La và Quỳnh Nhai.

Tuyến đường từ huyện đi các xã: Nà Ớt, Tà Hộc, Chiềng Ve, Nà Bó, Chiềng Sung bị cô lập trong nhiều giờ. Đặc biệt, 2 ngày nay, xã Tà Hộc bị cô lập hoàn toàn, các thầy cô giáo của trường Tiểu học và THCS Tà Hộc chưa thể về nhà.

Theo báo cáo thống kê ban đầu của Sở GD&ĐT Sơn La đến ngày 30/8, một số trường học thuộc huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Tà Hộc cọ rửa bùn đất để học sinh đón năm học mới
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Tà Hộc cọ rửa bùn đất để học sinh đón năm học mới

Cụ thể: Tại huyện Mai Sơn có 3 trường là Trường PTDTBT Nà Ớt, PTDTBT Tà Hộc, Tiểu học Tà Hộc ảnh hưởng rất nặng nề. Tại Trường PTDTBT Nà Ớt vỡ kè chắn đất, đồ dùng nấu ăn, trang thiết bị, sách vở, tài liệu bị nước cuốn trôi, bị hỏng, mất 1,4 tấn gạo, bùn đất tràn vào lớp học.

Tại huyện Vân Hồ, Trường THPT Vân Hồ nước ngập, bùn đất trôi vào một số phòng chức năng, nhiều đoạn đường bị ngập, sạt. Trường PTDTBT THCS Chiềng Xuân bị sạt lở bếp ăn bán trú, nhà xe giáo viên; Phòng Hội đồng nhà trường đang có nguy cơ đất, đá vùi lấp do sạt núi phía sau;

Trường tiểu học Xuân Nha trôi mất cầu dẫn vào điểm trường Chiềng Hin; Trường TH Vừ A Dính mưa lũ đang cô lập điểm trường Co Tang (xã Lóng Luông) chưa thống kê được thiệt hại (bàn ghế không kịp di chuyển, chỉ kê cao lên được).

Nhiều trường mầm non của huyện Vân Hồ bị ảnh hưởng nhiều hạng mục trường học. Đến chiều 30/8 nhiều các xã Quang Minh, Mường Tè, Song Khua, Liên Hòa, Xuân Nha đang bị cô lập hoàn toàn do sạt lở.

Tại huyện Mộc Châu: Khối THCS có 3 trường THCS Phiêng Luông, Chiềng Hắc, PTDTBT THCS Chiềng Khừa do đường vào bị sạt nên cho HS và GV nghỉ ngày 31/8;

Đồ dùng bán trú của học sinh trong nhà bán trúTrường PTDTBT THCS Tà Hộc bị hỏng hoàn toàn
 Đồ dùng bán trú  của học sinh trong nhà bán trúTrường PTDTBT THCS Tà Hộc bị hỏng hoàn toàn

Khối Mầm non, THPT, GDTX huyện Mộc Châu nhiều trường bị ngập nước; Trường THPT Mộc Hạ: Bị cô lập, mất điện, mất sóng điện thoại, 1 số GV và HS không đến trường được.

Tại huyện Phù Yên: Trường THPT Tân Lang nhà công vụ giáo viên, hệ thống nhà ăn, bếp ăn tạm của học sinh bán trú bị ngập nước và bùn trong cả hai đợt mưa lũ. Riêng nhà công vụ giáo viên mới sử dụng được 1 năm có nguy cơ bị vùi lấp do lũ quét; Toàn bộ nhà ăn, bếp ăn của học sinh bán trú, nhà công vụ, toàn bộ sân trường, sân thể dục bị hư hỏng nặng.

Huyện Mường La, Quỳnh Nhai có nhiều trường bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất đá, nguy cơ gây mất an toàn trường học trong năm học mới...

Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã gửi văn bản khẩn đến các phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc tăng cường ứng phó mưa lũ, khắc phục hậu quả để khai giảng năm học mới 2018-2019 theo đúng kế hoạch.

Sở chỉ đạo không để thiệt hại về người và tài sản trong mưa lũ; Đồng thời yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai mưa lũ, sạt lở. Kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, taluy, sườn đồi, chân vách núi, các khu vực ven sông, suối… - chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cư trú, sinh hoạt, sản xuất tại ven sông, suối, khe lạch cảnh giác phòng tránh lũ quét, sạt lở. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra, ứng cứu khi có yêu cầu, sơ tán khi cần thiết.

Tổ chức trực, chuẩn bị các điều kiện ứng phó kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết nếu thấy mất an toàn, đồng thời phải báo cao ngay về cơ quan chủ quản nắm và chỉ đạo.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát, di chuyển các điểm trường, lớp học, nhà ăn, nhà ở cho học sinh bán trú trên các sườn đồi, nơi ven sông, suối, taluy âm, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở, ngập lụt.

Các trường học chủ động, phối hợp với phụ huynh học sinh và bằng các giải pháp phù hợp khắc phục trường, lớp và các điều kiện khác sau mưa, lũ với mục tiêu các trường học trong toàn tỉnh được khai giảng năm học mới 2018-2019 theo đúng kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ