Sơn La đồng hành với học sinh lựa chọn ‘tương lai’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT Sơn La đồng hành với học sinh lựa chọn ‘tương lai’, triển khai hiệu quả giáo dục hướng nghiệp cấp THPT.

Trường THPT Mai Sơn phối hợp với Viện KSND huyện lồng ghép tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.
Trường THPT Mai Sơn phối hợp với Viện KSND huyện lồng ghép tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sơn La luôn quan tâm triển khai hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT. Thông qua đó, giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở trường, năng lực và nhu cầu lao động của xã hội.

Định hướng ngay từ đầu cấp

Trường THPT Chuyên tỉnh Sơn La là đơn vị được đánh giá nằm trong top đầu về công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT tại địa phương. Công tác tư vấn hướng nghiệp được nhà trường xây dựng kế hoạch bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

Bà Trần La Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác tư vấn chọn nghề nghiệp cho học sinh được đơn vị thực hiện ngay từ khối lớp 10, để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học phù hợp. Mỗi giáo viên chủ nhiệm được hướng dẫn để lồng ghép hoạt động hướng nghiệp vào các tiết sinh hoạt lớp.

Cũng theo bà Giang, với học sinh khối 12, nhà trường sẽ tổ chức cho tham gia hội nghị xúc tiến việc làm. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp, chia sẻ, nói chuyện về ngành nghề triển vọng. Từ đó, giúp các em có được cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mà mình lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT.

Một tiết học của học sinh lớp 10 Trường THPT huyện Mai Sơn được lồng ghép chương trình hướng nghiệp.

Một tiết học của học sinh lớp 10 Trường THPT huyện Mai Sơn được lồng ghép chương trình hướng nghiệp.

“Thông thường mỗi năm học, chúng tôi đều thực hiện khảo sát học sinh các khối lớp. Trên cơ sở kết quả học tập, trường sẽ tư vấn giúp các em hiểu rõ và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp. Qua đó, phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập. Hàng năm, có khoảng 99% học sinh khối 12 trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân”, bà Giang chia sẻ.

Còn tại Trường THPT huyện Mai Sơn, công tác tư vấn hướng nghiệp cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn đạt 100%, số lượng học sinh đỗ đại học các trường tốp đầu ngày một tăng; chất lượng mũi nhọn được giữ ổn định, đứng trong tốp các trường THPT chất lượng của tỉnh.

Bà Trần Thị Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học 2022 – 2023, trường có 36 lớp, với gần 1.600 học sinh. Trong đó, khối 10 hơn 500 em. Công tác tư vấn hướng nghiệp luôn được đơn vị chú trọng quan tâm từ lúc các em học sinh bước vào học lớp 10. Hoạt động tư vấn thường được lồng ghép qua các buổi ngoại khoá, môn học trên lớp.

“Qua thời gian tư vấn nghề nghiệp tại trường, chúng tôi nhận thấy các em học sinh đa số đều chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân, ra trường đều có việc làm ổn định. Gần đây, một số em lựa chọn đi học nghề, như: Làm đẹp, đầu bếp, cơ khí, sửa chữa ô tô, kế toán… để mở các cửa hiệu hoặc làm việc tại các đại lý, nhà hàng, công ty. Thu nhập từ các công việc này cao, thời gian học lại ngắn nên khá phù hợp và được nhiều học sinh vùng cao lựa chọn”, bà Nguyên nói.

Cân bằng thị trường và năng lực

Ngoài 2 đơn vị nêu trên, tại Sơn La hiện nay đa phần các trường THPT đều quan tâm và triển khai hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Theo đánh giá từ ngành Giáo dục địa phương, điển hình có thể kể đến là các trường THPT: Tô Hiệu, (TP. Sơn La), Mộc Lỵ, Thảo Nguyên (Mộc Châu), huyện Sông Mã ...

Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh chọn đúng nghề phù hợp với sở trường của bản thân.

Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh chọn đúng nghề phù hợp với sở trường của bản thân.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhận định, nhìn chung các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chương trình hướng nghiệp. Từ đó phân luồng học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu trong đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

“Cuối học kỳ 1 của học sinh lớp 12 được xem là thời điểm gấp rút để các em dần định hướng rõ ràng và đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình. Quyết định học gì, làm gì phù hợp với bản thân, nhu cầu lao động đối với các em không phải chuyện dễ dàng. Thực tế tại địa phương ghi nhận, có học sinh đã bỏ học giữa chừng do không thấy phù hợp hoặc kết quả học tập kém do lựa chọn một trường đại học, cao đẳng theo định hướng của gia đình thay vì nguyện vọng, năng lực của bản thân”, ông Lâm phân tích.

Cũng theo ông Lâm, có thể một số học sinh sẽ chọn cách cố gắng cầm cự, học theo kiểu đối phó. Nhưng nếu không có sự hứng thú, chuyên tâm với ngành nghề lựa chọn thì chất lượng học tập không đảm bảo. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường, các em không tìm được việc làm phù hợp nên hiệu quả công việc không như mong muốn.

“Để nâng cao hiệu quả công tác này, mỗi trường THPT cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và thực hiện thường xuyên, liên tục đồng bộ các giải pháp. Qua đó giúp học sinh và phụ huynh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội”, ông Lâm cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ