Lời khai có đúng sự thật?
Theo đại biểu Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đây là vụ việc nghiêm trọng; vì thế các cơ quan thông tin truyền thông phải có căn cứ chính xác mới đưa tin, bởi nó sẽ tác động không tốt với ngành GD. Báo chí cần thông qua cơ quan có chức trách trả lời, để thông tin ra xã hội một cách chính xác. Đại biểu cho rằng, đã là tiêu cực và nếu dùng tiền để sử dụng vào gian lận trong thi cử là ở mức nghiêm trọng. Do đó cần phải xử lý đến nơi đến chốn, nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là đối với GD - một lĩnh vực liên quan đến mọi người, mọi nhà.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: Sản phẩm của GD là con người, vì thế chúng ta muốn xây dựng được con người có đạo đức, tư cách tốt thì phải xử lý thật nghiêm. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; do đó nếu ai vi phạm đều phải xử lý, đặc biệt với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì cần tiên phong trong vấn đề nêu gương. Đại biểu cũng bày tỏ sự tin tưởng với các chi, đảng bộ ở các địa phương sẽ công tâm nhìn nhận sự việc. Nếu cơ quan điều tra kết luận phụ huynh có liên quan đến sai phạm thi cử thì sẽ phải xử lý đúng người, đúng tội.
Liên quan đến thông tin phải “bồi dưỡng” tới 1 tỷ đồng như báo chí nêu chỉ là lời khai của bị can trong vụ gian lận điểm thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, có hay không sự việc này và ai là người đưa tiền, đưa như thế nào, quan hệ giữa người đưa và người nhận tiền ra sao, là vấn đề mà cơ quan điều tra phải làm rõ. Đây là một vấn đề hệ trọng, do đó phải xác định xem lời khai có đúng sự thật hay không. Nếu đúng sự thật thì phải truy tới cùng, tránh tình trạng khai để che giấu tội trạng của mình, đẩy tội cho người khác. Đại biểu nhấn mạnh, nếu lời khai đúng sự thật, hành vi này sẽ bị quy vào tội nhận hối lộ và đưa hối lộ với hình phạt đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt rất nặng với trường hợp này.
Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cảm thấy hoang mang khi nghe tới con số 1 tỷ đồng (nếu đó là sự thật). Ông cho rằng, đó là sự xuống cấp nghiêm trọng của người thi hành công vụ - những người được Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao quyền. Gian lận thi cử là hết sức nghiêm trọng, trong đó vai trò của người đứng đầu cần được làm rõ và cần được đề cập. Người đứng đầu địa phương để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy, làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì là sai sót, rất đáng kiểm điểm.
|
Trao đổi với báo chí, đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu) nêu ý kiến, nếu dùng tiền để can thiệp vào nâng điểm thi THPT quốc gia là hành vi tiêu cực trong thi cử. Theo đại biểu, thông tin đại chúng đưa rất rõ về những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương. Nhưng điều mà dư luận quan tâm là, cần làm rõ đến cùng những sai phạm đó và không để những cá nhân có hành vi sai phạm lọt lưới pháp luật. Việc công khai danh tính các cá nhân có sai phạm (kể cả phụ huynh, người có trách nhiệm trong tổ chức, quản lý) phải xử lý nghiêm, tạo công bằng trong xã hội, công bằng trong chính sách pháp luật.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, cơ quan điều tra không thể dừng lại ở đây mà phải đi đến cùng của sự việc. Khi đã điều tra và xác minh ai là người dùng tiền để “mua điểm” thì phải công khai danh tính. Chúng ta chỉ nhân đạo đối với những thí sinh là nạn nhân mà vô tình phải nhận hậu quả từ hành vi sai trái do người khác làm.
Cho rằng những sai phạm ở một số địa phương liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia 2018 gây bất bình trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến ngành GD, đại biểu Chu Lê Chinh trao đổi: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với Bộ GD&ĐT và một số địa phương để xảy ra tiêu cực trong vấn đề thi cử. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp thật tốt để sớm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Với sự quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các địa phương đã vào cuộc và có những kết quả cơ bản, xác định về nguyên nhân, tính chất, mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, cử tri và phụ huynh, HS rất mong đợi kết quả và cho rằng, đây là bài học trách nhiệm cho kỳ thi năm nay.
|
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), bất kể cá nhân nào có hành vi nương nhẹ, dung túng, làm ngơ trước những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Sơn La, đều phải xử lý. Việc xử lý sẽ không có vùng cấm. Việc này có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, trách nhiệm họ đến đâu thì tùy thuộc vào mức độ và hành vi sai phạm như thế nào.
Chẳng hạn, những sai phạm đó xảy ra ngoài vùng kiểm soát, là bất khả kháng và kết quả điều tra chứng minh họ không liên quan đến sai phạm thì họ chỉ chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu đơn vị nhưng đã để vụ việc xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình. Còn khi kết quả điều tra chứng mình họ có liên đới đến sai phạm như: Nương nhẹ, bỏ qua, tạo điều kiện hoặc có chỉ đạo hành vi sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và không có vùng cấm.