Sớm mở lại hai trung tâm đăng kiểm ở Hoà Bình và Bắc Kạn

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải, đến thời điểm này chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Ngân sách trung ương có hạn

Chiều 7/6, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Nhu cầu lớn nhưng ngân sách trung ương chỉ bố trí được khoảng 66%, không thể đáp ứng đầu tư các tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh ngân sách trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ rất tốt, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này.

Về chất vấn của đại biểu liên quan đến hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với địa phương và Bộ đã trực tiếp đào tạo nhân lực do địa phương giới thiệu để thi tuyển, cấp chứng chỉ để có thể giữ chức vụ lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm. Còn về đăng kiểm viên, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ, dự kiến sớm mở lại Trung tâm đăng kiểm này.

Trả lời chất vấn đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh về dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân, Bộ trưởng cho biết dự án này triển khai từ 2005 nhưng do khó khăn về ngân sách nên đang dở dang. Bộ Giao thông vận tải nhận thấy dự án cần thiết, đã tham mưu Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49 trong đó chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án này. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu, tính toán bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư dự án này.

Về câu hỏi của đại biểu về cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng cho biết, đây là cây cầu duy nhất ở miền Bắc đi chung đường sắt và đường bộ. Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được. Bộ Giao thông Vận tải đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực nhưng chưa thành công.

Đối với cầu Xương Giang, Bộ trưởng cho biết, tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương ủng hộ với tinh thần chia sẻ. Bộ Giao thông vận tải nhận thấy sự cần thiết đầu tư và tham mưu Thủ tướng trình cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 đầu tư cây cầu này, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ bố trí nguồn để thực hiện.

Nhiều dự án bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT. Tuy nhiên, sau đó nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT. Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.

Bộ trưởng cho biết, cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn. Khi rà soát lại, ta thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông. Vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Cụ thể, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.

Ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp. Khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư. Đây là một tồn tại, hạn chế, sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh.

Đối với hiện tượng chủ doanh nghiệp vận tải ép các tài xế chạy xuyên đêm, gây tai nạn, Bộ trưởng cho biết đây là một thực tế đã được dư luận, báo chí phản ánh. Trong Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng cũng yêu cầu với các vụ tai nạn giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh cần chủ trì đánh giá xác định nguyên nhân, giải pháp để khắc phục, rút kinh nghiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cũng đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định hợp lý trong dự thảo các luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông sắp được trình Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ