Xóa bỏ tâm lý không muốn thoát nghèo của người dân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội, nhiều người dân không muốn thoát nghèo và cũng không muốn thoát hộ cận nghèo; Do đó, cần có biện pháp để xóa bỏ tâm lý này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Có tình trạng người dân không muốn thoát nghèo

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan ngại, tâm lý không muốn thoát nghèo diễn ra nhiều nơi, khắp cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nên cần có đồng hành cùng hệ thống chính trị chúng ta cùng thoát nghèo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nhiều hộ gia đình không muốn thoát nghèo là thực trạng không chỉ diễn ra với đồng bào dân tộc thiểu số, mà có cả người Kinh ở vùng khó khăn hoặc đang là vùng nghèo.

“Qua nghiên cứu các tài liệu của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và quá trình thực tế ở địa phương thì chúng tôi thấy rằng hiện tượng này là có thật” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Trao đổi về một số nguyên nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhìn nhận, mặc dù theo tiêu chí là hộ gia đình đó đã thoát nghèo nhưng cuộc sống thực tế của họ rất khó khăn, vì tại địa bàn đó và nơi người ta sinh sống cũng rất khó khăn.

Nói về thu nhập, thoát nghèo theo tiêu chí mới ở vùng nông thôn là 1,5 triệu, nếu cận nghèo là 1,6 triệu, cao hơn nữa là khoảng hơn 2 triệu. Còn tiếp cận các dịch vụ xã hội thì cơ bản đã được đầu tư.

Tuy nhiên, chất lượng ở nhiều nơi có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Người dân còn băn khoăn, nếu thoát nghèo có khi mình không được thụ hưởng nữa.

Ngoài ra, hệ thống chính sách, nếu đang còn là hộ nghèo thì còn được hưởng các chính sách cho cả con, chính sách đầu tư, hỗ trợ. Nếu thoát sẽ không được thụ hưởng những chính sách này. “Tôi nghĩ đó là lý do cơ bản dẫn đến tâm lý không muốn thoát nghèo của nhiều người dân” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhìn nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này, cần có nhiều biện pháp; trong đó có việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo. Giúp người dân thoát nghèo, cũng cần bảo đảm các điều kiện tối thiểu để người dân sinh sống.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, vận động bà con nhân dân để người dân hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tế, các địa phương có rất nhiều các trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là những tấm gương và những điều chúng ta cũng cần phải tập trung tuyên truyền thêm.

“Tôi cho rằng, hệ thống tiêu chí về giảm nghèo của chúng ta còn phụ thuộc vào điều kiện của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn của đất nước. Cho nên xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải tính toán để có hệ thống tiêu chí phù hợp hơn để người dân thoát nghèo cũng yên tâm, không bị tái nghèo” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng tình với quan điểm của đại biểu, trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.

Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành làm cơ sở địa phương xây dựng chính sách cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể của từng địa phương, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Bộ trưởng cũng cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh, vì vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn - sáng 7/6.

Toàn cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn - sáng 7/6.

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 7/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay, theo số liệu, đến 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển. Vốn của năm 2023 chỉ đạt 17,01% vốn đầu tư phát triển.

Chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này, hơn nữa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này đang sống ở biên cương, phên giậu của đất nước, đang chịu nhiều khó khăn để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Nêu rõ một số vướng mắc trong việc triển khai chương trình; Phó Thủ tướng trao đổi: Trước hết, số lượng văn bản ban hành rất nhiều, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành trung ương, nên còn nhiều chồng chéo, xung đột.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18/18 bộ ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261/339 thắc mắc của các cơ quan, địa phương.

Với các nội dung còn lại, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 27, ban hành, điều chỉnh một số thông tư. Việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6.

Thực tế ở địa phương cũng cho thấy, các địa phương không giải ngân được nhiều vốn trung ương, nhưng giải ngân được tỷ lệ lớn vốn đối ứng địa phương, điều đó cho thấy những quy định còn vướng mắc, gây khó khăn, nên việc tháo gỡ ở các quy định này sẽ tạo được tác động tốt.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang Thời gian tới, với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.