(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 25/8/2011 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điên Biên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn triển khai Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo, cùng sự tham dự của: Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo UBND, Sở GD&ĐT 26 tỉnh trên cả nước có học sinh bán trú và trường PTDTBT; các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT.
Giờ thực hành môn Vật lý của HS trường PTDT nội trú Bắc Hà (Lào Cai), ảnh Xuân Cường |
Theo quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 2 đối tượng được hưởng các chính sách ban hành tại Quyết định này là hệ thống các trường THDT bán trú và học sinh bán trú. Trong đó, học sinh bán trú là đối tượng học sinh tiểu học và THCS bán trú đang học tại các trường PTDTBT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học trong các trường tiểu học và THCS công lập khác ở vùng này.
Mức hỗ trợ dành cho học sinh bán trú gồm: Tiền ăn (mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học /học sinh); Nhà ở (đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm/học sinh). Quyết định cũng nêu rõ đối với học sinh bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu có nhiều mức hỗ trợ cho cùng một chính sách thì học sinh bán trú chỉ được hưởng một mức hô trợ cao nhất.
Đối với trường PTDTBT, được hỗ trợ, đầu tư có sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; Hàng năm nhà trường được mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho học sinh bán trú với mức 100.000đ/học sinh/năm học; Hằng năm, nhà trường lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, có các loại thuốc thông trường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000đ/học sinh bán trú/năm học.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Bản Dự thảo được đưa ra tại Hội thảo này là Dự thảo lần 2, đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên qua và các địa phương trong lần đưa ra lấy ý kiến góp ý trước đó.
Tại Hội thảo, đã có 13 ý kiến phát biểu của các Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành tham dự Hội thảo. Trong 2 đối tượng được quy định tại Quyết định 85 của Chính phủ là học sinh bán trú và trường PTDTBT thì đối tượng học sinh bán trú là đối tượng nhận được sự quan tâm nhiều nhất với đa số ý kiến tập trung vào, cùng với đề xuất kinh nghiệm, giải pháp và đặc thù riêng của từng địa phương.
Trong đó, đáng chú ý là: Đối tượng học sinh nào thì cần làm đơn đề nghị để được hỗ trợ, có phải năm học nào cũng phải làm đơn không hay chỉ học sinh đầu cấp; phương thức hỗ trợ sẽ thực hiện như thế nào; nguồn kinh phí, nhất là nguồn kinh phí huy động lấy ở đâu, khi mà việc huy động nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa cho giáo dục vốn đã không đơn giản ở các địa phương khó khăn; kể cả việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí kinh phí ra sao cũng được các đại biểu tập trung đề xuất và nêu giải pháp cho Dự thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận Hội thảo |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất tại Hội thảo; đồng thời Thứ trưởng đề nghị các Bộ, Ngành, các địa phương phương liên quan tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho Dự thảo bằng con đường văn bản trong thời gian tới.
Trên cơ sở tiếp thu các đề xuất góp ý này cũng như căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương, Bộ GD&ĐT với nhiệm vụ chủ trì sẽ có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý, hoàn thiện Dự thảo để sớm ban hành được Thông tư hướng dẫn, qua đó đưa Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng được triển khai trên thực tế, với yêu cầu cao nhất là chất lượng, hiệu quả và công khai minh bạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra tại Quyết định này.
Khánh Sơn