Sôi nổi Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ

GD&TĐ - Có gần 70 nghệ nhân đờn, ca tham dự Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau (mở rộng), lần thứ X năm 2016.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc đậm sắc chất Nam bộ
Tiết mục văn nghệ đặc sắc đậm sắc chất Nam bộ

Ngày 13/9, tại Nhà hát Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) diễn ra lễ khai mạc Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau (mở rộng), lần thứ X năm 2016,

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Phú Quốc - Kiên Giang 2016.

Tham gia liên hoan có 6 tỉnh, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Dương với gần 70 nghệ nhân đờn, ca tham dự…

Nội dung Liên hoan ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, ca ngợi về truyền thống của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gương người tốt, việc tốt… Các nghệ nhân tham dự thi diễn, các bài, bản trong 20 bản Tổ của của dòng âm nhạc tài tử Nam bộ gồm: Bắc, Nam, Hạ, Oán.

Đờn ca tài tử Nam bộ là kết quả hội tụ dòng chảy âm nhạc từ nhiều vùng, miền khác nhau của Nam bộ, đã nhanh chóng phát triển mạnh trong phong trào văn hoá, văn nghệ và đã thấm sâu vào lòng người hâm mộ khắp cả vùng đất Nam bộ trong nhiều thập kỷ qua.

Bạc Liêu là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa nghệ thuật. Nơi đây được xem là một trong những cái nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Người Bạc Liêu rất tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc Bạc Liêu qua các thời kỳ như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa…

Đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang, chính bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc phát triển lên đỉnh cao.

Đi qua biết bao thăng trầm lịch sử, phong trào đờn ca tài tử đã khẳng định giá trị của một loại hình âm nhạc dân tộc và đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

Nghệ thuật đờn ca tài tử tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến mọi sinh hoạt văn hoá, nhu cầu hưởng thụ giá trị nghệ thuật truyền thống và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ, sống mãi với thời gian.

Ông Trần Minh Huấn - Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Phó trưởng Ban Tổ chức Liên hoan - nhấn mạnh: “Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc thù của vùng đất Nam bộ.

Đồng thời nhằm tạo điều kiện để các thế hệ nghệ nhân giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó phát hiện, chăm bồi những nghệ nhân có năng khiếu về đờn ca tài tử đóng góp vào vườn hoa nghệ thuật của dân tộc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ