Sóc Trăng nhận diện thách thức trong triển khai Chương trình mới

GD&TĐ -  Sáng 28/3, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát dẫn đầu đoàn công tác. Phía Bộ GD&ĐT có ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.

Tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh...

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quan tâm nguồn lực cho đổi mới

Báo cáo tại buổi giám sát, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tỉnh luôn chủ động, tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Mạng lưới trường, lớp học của tỉnh Sóc Trăng cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Song song đó tỉnh cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác bồi dưỡng giáo viên được tỉnh quan tâm, 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Đến thời điểm này đã hoàn thành modun 9, đây là tiền đề để giáo viên hình thành thói quen dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Các trường đều tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Giáo viên bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các trường đã chủ động, điều chỉnh chương trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của đơn vị và khả năng tiếp thu của học sinh.

Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh quan tâm khâu tập huấn giáo viên, chủ động chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới; Tổ chức giảng dạy, nội dung chương trình mới giảm tải, phát triển năng lực người học. Ngành tăng cường tuyên truyền, góp ý cho đội ngũ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá; Tổ chức các lớp cập nhật, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ nhà giáo để triển khai chương trình mới đạt hiệu quả…

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều kiến nghị quan trọng

Tỉnh Sóc Trăng cũng nhận diện một số khó khăn trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nguyên nhân do nguồn kinh phí còn khó khăn trong khi nhu cầu của ngành cần nhiều. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy và học một vài nơi còn chưa tốt, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị. Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên phần nào ảnh hưởng đến công tác xã hội hóa.

Hệ thống cơ sở vật chất trường học dù được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng hầu hết được xây dựng lâu năm nên phần lớn chưa đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay. Một số trường học còn thiếu thư viện hoặc thư viện chưa đạt chuẩn, nhà vệ sinh xuống cấp, nguồn nước và hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Thiết bị dạy học chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tình trạng quá tải về học sinh của cấp mầm non và tiểu học tại một số cơ sở giáo dục vẫn còn, đặc biệt là khu vực đô thị và khu công nghiệp nơi tập trung nhiều lao động (có sự dịch chuyển dân số cơ học từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp).

Một bộ phận cán bộ quản lý chưa nghiên cứu sâu và tiếp cận đầy đủ một số văn bản mới liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một số giáo viên chưa quen với việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, còn ngại đổi mới, khả năng thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới chưa kịp thời.

Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Ban hành chính sách về tuyển dụng đội ngũ nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua để đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Kiến nghị cụ thể được tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: Chính phủ ban hành chính sách bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục; Chỉ đạo các bộ, ngành trung ương ban hành khung giá thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để làm cơ sở lập dự án mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học để giúp các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, SGK dành cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên. Ban hành các văn bản điều chỉnh giảm số lượng học sinh trên lớp nhằm giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động tăng cường tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình học tập.

Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cho giáo viên dạy liên trường; chính sách cho giáo viên được điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu để an tâm công tác. Ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án mua sắm thiết bị giáo dục. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.

Kiên trì thực hiện đổi mới Chương trình, SGK

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng trong triển khai Chương trình, SGK mới. Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, chăm lo sự nghiệp Giáo dục nói chung và công tác triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông - địa phương cần kiên trì thực hiện; cần có quá trình để có sự thay đổi. Thời gian qua đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã có nhiều cố gắng thực hiện chương trình nên cần sự động viên, khích lệ đội ngũ. Việc triển khai Chương trình, SGK mới bên cạnh thuận lợi vẫn còn khó khăn, vướng mắc; do đó cần phát huy tính sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm.

Tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm vấn đề rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới giáo dục trên địa bàn. Bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Quan tâm học sinh dân tộc thiểu số, giáo dục vùng khó khăn. Huy động nguồn lực từ xã hội tạo thêm nguồn lực trong đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy, học.

Tỉnh cần chú trọng công tác phân luồng học sinh; quan tâm cơ cấu đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên phục vụ chương trình mới. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thường xuyên; hướng tới tự đào tạo, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu năng lực, trình độ. Chú ý công tác tuyên truyền, để người dân hiểu rõ việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội là chủ trương đúng đắn, kế thừa phát triển các chương trình trước. Việc đổi mới là phù hợp với thực tiễn, giúp học sinh phát triển toàn diện; dạy học linh hoạt, đa dạng, phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản trong lãnh đạo chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo cơ chế, huy động nguồn lực trong công tác GD&ĐT. - Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ