Sóc Trăng khắc phục thiếu phòng học và giáo viên trước năm học mới

GD&TĐ - Ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tập trung khắc phục tình trạng thiếu phòng học và giáo viên.

Giáo viên mầm non tỉnh Sóc Trăng hiện thiếu nhiều nhất.
Giáo viên mầm non tỉnh Sóc Trăng hiện thiếu nhiều nhất.

Tập trung xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp

Năm học 2023 - 2024 đã bắt đầu, ngành GD&ĐT Sóc Trăng hoàn tất công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, tình trạng thiếu phòng học và thiếu đội ngũ giáo viên vẫn là bài toán khó cho địa phương.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.553 phòng học kiên cố ở các cấp học (tỷ lệ 73,1%). Trong đó, cấp Mầm non có 885 phòng (đạt 54,7%); cấp Tiểu học 2.554 phòng (67,0%); cấp THCS 1.366 phòng (đạt 97%); cấp THPT 748 phòng (đạt 98,7%). Ước tính năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có khoảng 5.930 phòng học kiên cố ở các cấp học (đạt tỷ lệ 74,5%), tăng 377 phòng (tỷ lệ tăng 1,5%).

Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực khó khăn nói riêng, Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học.

Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã bố trí nguồn vốn là 2.574 tỷ đồng để xây dựng nâng cấp các trường học (trong đó 2.217 tỷ đồng dành cho xây dựng, sửa chữa các cơ sở giáo dục, 357 tỷ đồng dùng để mua sắm thiết bị lớp 3, 7, 10; lớp 4, 8, 11 và lớp 5, 9, 12). Từ nguồn kinh phí trên, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư các hạng mục phòng học, lớp học, phòng học bộ môn, khu nhà hiệu bộ, trang thiết bị giáo dục... theo hướng khang trang, hiện đại.

Đến nay, toàn tỉnh có 379/461 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 82,21% (đạt 99,05% kế hoạch năm 2023). Trong đó, Mầm non 97/118 trường, tỷ lệ 82,20%; Tiểu học 168/197 trường, tỷ lệ 85,28%; THCS 85/107 trường, tỷ lệ 79,44%; THPT 29/39 trường, tỷ lệ 74,36%. Ước thực hiện đến cuối năm 2023 tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 83% (đạt 100% kế hoạch giao).

Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 479 trường, 8.323 lớp từ mầm non đến phổ thông với 447 điểm lẻ. Trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Dự kiến đến cuối năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh còn 478 trường mầm non và phổ thông (460 trường công lập, 18 trường ngoài công

Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số trường xây dựng từ trước nên đến nay không còn phù hợp với quy định mới; một số trường học còn thiếu thư viện hoặc thư viện chưa đạt chuẩn; một số nhà vệ sinh xuống cấp, nguồn nước và hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Thiết bị dạy học chưa được đầu tư kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Học sinh tiểu học tỉnh Sóc Trăng trong ngày tựu trường.

Học sinh tiểu học tỉnh Sóc Trăng trong ngày tựu trường.

Tìm giải pháp đảm bảo đội ngũ giáo viên

Về đội ngũ giáo viên năm học 2023 - 2024 của tỉnh Sóc Trăng, số lượng giáo viên được giao là 14.957; số lượng giáo viên theo định mức là 15.333; số lượng giáo viên hiện có 14.001 (trong đó có 209 giáo viên hợp đồng), số giáo viên còn thiếu là 1.332.

Cụ thể, đối với các đơn vị do UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý, số lượng giáo viên được giao là 12.670; số lượng giáo viên theo định mức là 12.874; số lượng giáo viên hiện có 11.825 (trong đó có 209 giáo viên hợp đồng); số giáo viên còn thiếu là 1.049. Trong đó, cấp học Mầm non số giáo viên còn thiếu là 609; cấp Tiểu học thiếu 402; cấp THCS thiếu 38.

Điều đáng nói, số lượng giáo viên ở các địa phương vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ. Thừa giáo viên cấp THCS ở các bộ môn Toán, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học; thiếu giáo viên Mầm non, Tiểu học, và giáo viên các bộ môn Tiếng Anh, Tin học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ.

Đối với các đơn vị do Sở GD&ĐT quản lý, năm học 2023 - 2024, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT dự kiến có 14 lớp tiểu học, 265 lớp THCS (tăng 21 lớp so với năm học 2022 - 2023) và 842 lớp THPT (tăng 58 lớp so với năm học 2022 - 2023).

Số giáo viên cần có theo định mức là 2.459; số giáo viên được giao là 2.287. Số giáo viên hiện có là 2.176. So với định mức, còn thiếu 283 giáo viên. So với số giáo viên được giao, thiếu 172, chủ yếu ở các bộ môn Hoá, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Thể dục, Giáo dục quốc phòng - An ninh, Tin học, Công nghệ.

Để giải bài toán thiếu giáo viên, thời gian qua, ngành GD&ĐT Sóc Trăng đã triển khai thực hiện một số giải pháp như hợp đồng giáo viên ngắn hạn hoặc thỉnh giảng; Xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức; Phân công giáo viên dạy liên trường; Thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu...

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng. Còn cấp Tiểu học hiện chủ yếu còn thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học và phải có trình độ đại học mới đúng chuẩn nên hiện bị thiếu nguồn tuyển. Hiện số sinh viên mầm non rất ít, số ra trường không đủ theo nhu cầu.

Đối với giáo viên tiểu học, số ra trường có trình độ đại học theo quy định hiện nay cũng gặp khó về nguồn tuyển; đặc biệt là Ngoại ngữ, Tin học. Về nguyên nhân, theo ông Châu Tuấn Hồng, những môn này dễ tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn.

Thứ hai là do quy định tuyển dụng theo nhu cầu của từng đơn vị trường học chứ không được tuyển chung rồi phân bổ, vì vậy khi nộp hồ sơ tuyển ai cũng muốn nộp vào chỗ thuận lợi; chỗ khó không có hồ sơ. Từ đó dẫn đến chỗ nhiều hồ sơ bị trượt ra rất nhiều, trong khi những nơi khác thì không có ứng viên. Thứ 3 là do phân cấp quản lý theo huyện nên khó khăn trong việc điều tiết qua lại giữa các huyện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ