Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Quân Y 5 với chẩn đoán phản vệ độ III do ong đốt ngày 2. Bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt tay và đầu. Sau 5 phút, bệnh nhân thấy chóng mặt, nổi ban đỏ khắp người, khó thở, không đau bụng. Hiện tại, bệnh nhân đang được các bác sĩ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định.
Các bác sĩ cho biết, khi bị ong đốt, người bệnh thường sưng đỏ, đau, có cảm giác ngứa tại vết thương. Trường hợp nặng hơn nếu bị đốt ở đầu, mặt, cổ,… người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân như: phù mặt, nổi ban đỏ, ngứa nhiều, khó thở, thở rít, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê, tình trạng sốc phản vệ. Một số triệu chứng khác bao gồm tiểu màu đỏ hoặc nâu, tình trạng tổn thương thận cấp.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị ong đốt, người dân cần bình tĩnh, rời ngay khỏi khu vực có ong. Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra. Không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn vết thương.
Chườm đá lên vết thương để giảm sưng và đau. Sau đó, rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng. Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày.
Để phòng tránh bị ong đốt, người dân cần:
- Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.
- Không dùng que, gậy chọc phá tổ ong.
- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà.
- Những người nuôi ong lấy mật cần mặc quần áo phòng hộ, không được để lộ da bên ngoài.
- Khi có ong xuất hiện, cần đứng yên, không chạy.
- Nếu muốn phá hoặc xua đuổi đàn ong, thay vì dùng que gậy, chọc trực tiếp vào tổ ong, cần dùng khói hoặc lửa.
- Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm. Bởi, ban đêm thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.
- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại không nên mặc quần áo sặc sỡ.
- Khi chọn các loại nước hoa, sữa dưỡng thể, cần lưu ý tránh các mùi hương ngọt, vì có thể thu hút ong.
- Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong.
Người bị ong đốt khi có biểu hiện khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu,… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.