Đây là một loại virus phổ biến.
Đề xuất nhiễm Enterovirus có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 1 đã có từ hơn 50 năm trước. Một báo cáo được công bố vào năm 1969 đã liên kết bệnh tiểu đường mới khởi phát với các trường hợp nhiễm Enterovirus có tên là Coxsackie B. Kể từ đó, đã có một số nghiên cứu khác nhau được công bố.
Một nghiên cứu quan trọng năm 2011 đã đưa ra đánh giá có hệ thống đầu tiên về chủ đề này. Các nhà khoa học tập trung vào kỹ thuật xét nghiệm phân tử hiện đại (như PCR). Nhóm phát hiện ra mối liên quan có ý nghĩa lâm sàng giữa nhiễm Enterovirus và bệnh tiểu đường loại 1.
Cuộc điều tra mới này vẫn chưa được xem xét và công bố. Tuy nhiên, nghiên cứu đã được trình bày gần đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường châu Âu. Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ 12.000 người. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 có nguy cơ nhiễm Enterovirus cao gấp 8 lần.
Cụ thể hơn, khi xem xét các nghiên cứu với dữ liệu về người mắc tiểu đường mới khởi phát, các nhà khoa học phát hiện trong tháng đầu tiên sau khi chẩn đoán, bệnh nhân có khả năng nhiễm Enterovirus cao hơn 16 lần. Mối liên quan thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở những người có khuynh hướng di truyền bệnh tiểu đường loại 1 hoặc có họ hàng mắc căn bệnh này.
Sonia Isaacs - trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 có nguy cơ bị nhiễm Enterovirus cao gấp 29 lần”.
Một thách thức trong việc tìm hiểu mối liên hệ là chi Enterovirus bao gồm lượng lớn các loại virus khác nhau. Cho đến nay, có hơn 80 loại Enterovirus khác nhau được biết là có thể gây bệnh cho người.
Các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào một nhóm phụ của Enterovirus có tên Coxsackie B. Có 6 loại Enterovirus Coxsackie B. Các nhà nghiên cứu ước tính, nhóm này có thể chiếm 1/4 tổng số ca nhiễm Enterovirus.
Các phát hiện mới phần nào hỗ trợ mối liên hệ giữa Coxsackie B và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các loài Enterovirus A và C cũng cho thấy có liên hệ với sự phát triển bệnh tiểu đường.
Theo nhà nghiên cứu Isaacs, những phát hiện này không cho thấy nhiễm trùng Enterovirus là nguyên nhân duy nhất gây bệnh tiểu đường loại 1. Thay vào đó, có vẻ như một số yếu tố khác đã kích hoạt sự phát triển của bệnh tiểu đường.
“Nhiễm virus cũng được cho là để lại hậu quả, kết hợp với các yếu tố khác, như chế độ ăn uống, sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột và thậm chí là phơi nhiễm hóa chất có thể xảy ra trong tử cung (khi mang thai) hoặc thời thơ ấu. Ngay cả vị trí nhiễm Enterovirus cũng có thể quan trọng”, nhà nghiên cứu Isaacs suy đoán.
Bình luận