Tại phiên họp sáng ngày 26/10, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã Báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020.
Tại báo cáo của Chính phủ nêu rõ, kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 3.605 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,33%. Tuy nhiên, số tiền thu được hơn 15.417 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 38,43%. Con số này được cho là rất “khiêm tốn”. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa): Điều tra, truy lùng tài sản, dấu vết của tham nhũng là căn cứ để sau này thu hồi tài sản đó
Chính phủ đã chủ trì nhiều phiên họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc về kinh tế, tham nhũng; một số vụ việc có giá trị lớn, có tính chất phức tạp; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...
Tuy nhiên, với số tiền thu hồi được từ các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên 15.417 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 38,43%, đây là một con số hết sức khiêm tốn.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân là cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án ở mức độ nào đấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Điều này khiến cho việc thu hồi tài sản chống tham nhũng còn hạn chế.
Về giải pháp bước đầu, một trong những điều cần tính đến trong quá trình điều tra có thể thực hiện các biện pháp theo quy định của tố tụng. Có thể điều tra, đưa ra những kết luận điều tra để không tẩu tán được tài sản. Sau đó mới tính đến giai đoạn truy tố, xét xử, đặc biệt giai đoạn thi hành án.
Bởi trên thực tế, các tội phạm tham nhũng thường lấy tên người khác để tẩu tán tài sản. Việc điều tra, truy lùng tài sản, dấu vết của tham nhũng là yếu tố quan trọng, là căn cứ để sau này thu hồi tài sản đó. Theo nhận định chung của các cơ quan tư pháp thì khâu này hiện còn chưa hiệu quả.
Tôi cho rằng, hành lang pháp lý, thể chế hiện nay đã tương đối hoàn thiện. Nhưng vấn đề đặt ra là việc thực thi pháp luật và kiểm soát hoạt động ở mức độ nào đó hiện vẫn chưa hiệu quả.
Cùng đó, việc khai báo, kê khai tài sản cũng đã có bước tiến nhằm ngăn chặn bước đầu nhưng thực chất vẫn chưa có kiểm tra, giám sát việc này. Do đó, ngay các cán bộ đương chức, thậm chí cán bộ dính vào tham nhũng vẫn tẩu tán được tài sản kê khai không đúng thực chất của mình. Việc kiểm tra, giám sát, kết luận một cách thực sự là chưa có.
Ở các nước, tất cả thu nhập cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước, công quyền được kiểm soát chặt chẽ, nguồn thu khác cũng vậy. Do đó, việc kê khai không đúng rất dễ phát hiện. Thậm chí, các chức danh như Thủ tướng, Tổng thống cũng bị kiểm soát; qua đó, phát hiện việc đóng thuế hay có tài sản lớn bất thường được kiểm soát ngay.
Cơ chế, thể chế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như công cuộc chống tham nhũng phải tiến hành thay đổi dần dần chứ khó có bước đột phá ngay. Thực chất là do một số yếu tố như thể chế, kiểm soát quyền lực và các mối quan hệ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn thành phố Hà Nội): Cần cơ chế kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản
Con số từ các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ 38,43% là khó chấp nhận và thời gian tới cần phải được đẩy mạnh nhằm thu hồi triệt để; thậm chí phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện thu hồi. Đây là tài sản của Nhà nước, nhân dân. Trong công tác tư pháp, các cơ quan cơ bản đã thực hiện tốt, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án, làm rõ nhiều vấn đề. Trách nhiệm tiếp theo là xử lý thu hồi các tài sản tham nhũng ra sao cho hiệu quả.
Trong khi con số thu hồi từ các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp thì ngân sách nhà nước lại đang thiếu cho việc trang trải cho các công trình công cộng, các dự án mang tính an sinh xã hội... Do đó, cần làm rõ khâu này để xem tại sao việc thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng lại đạt tỷ lệ thấp như vậy.
Theo tôi, nguyên nhân một phần xuất phát từ việc nể nang, né tránh của những người có trách nhiệm nên phải xem xét, rà soát lại từ trên xuống dưới. Ý kiến của người lãnh đạo ở đây rất quan trọng.
Nếu họ thấy việc này bắt buộc phải thu hồi bằng được thì các cơ quan, người có trách nhiệm phải ngồi lại để bàn cách tháo gỡ, không thể để xảy ra tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con.” Tôi cho rằng, không phải là không làm được điều này bởi hệ thống luật pháp đã tương đối đầy đủ.
Tội phạm tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn. Ngay từ trong công tác Đảng cũng cần đưa nội dung kiểm tra, giám sát để xem tại sao đã có các quyết định xử lý như vậy mà vẫn không thu hồi được các khoản bị chiếm đoạt từ các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đảng phải xem người nhận nhiệm vụ này làm đến đâu, đã thực hiện hết trách nhiệm hay chưa, từ kiểm tra sẽ ra nhiều vấn đề.
Thực tế, bước kê khai tài sản cá nhân đã được thực hiện trong thời gian qua. Theo quy định, hàng năm, cán bộ phải bổ sung kê khai tài sản nhưng vấn đề khi bổ nhiệm, xem xét thì không có kiểm tra.
Theo tôi, vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra các cấp và công tác của cơ quan bổ nhiệm, bầu cử phải đi kiểm tra, xem xét, giám sát chặt chẽ hơn nữa. Hiện nay chỉ tiến hành một vài trường hợp, còn hầu như không có.
Tới đây, Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần phải đi tận nơi xem xét, có biên bản, tránh trường hợp khai báo chỉ mang tính hình thức và không trung thực.