Tuổi 18 xinh đẹp với ký ức kinh hoàng
Ái Tân Giác La Hiển Dư là Cách cách thứ 14 của Túc Thân vương Thiện Kỳ cuối triều đại nhà Thanh, đồng thời cũng là nữ gián điệp nổi tiếng của quân đội Nhật được gọi với nhiều cái tên khác nhau: Kawashima Yoshiko, Xuyên Đảo Phương Tử, hay còn gọi là Kim Bích Huy, Kim Thành Tam, Kim Mộng Chi, tự Đông Trân, hiệu Thành Chi.
Sinh năm 1907, từ nhỏ Kawashima Yoshiko đã tỏ ra là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, đáng yêu, được Túc Thân vương rất chiều chuộng nên ông đã quyết định đặt tên cho cô là Hiển Dư.
Chữ Dư là chữ Hán do Thiện Kỳ lấy từ đồng âm với từ 14 trong tiếng Mãn sáng tạo nên, ý nghĩa của cái tên Hiển Dư ngụ ý nói đến người con gái xinh đẹp hút hồn - “viên đá đẹp giống như viên ngọc”.

Chân dung Cách cách xinh đẹp cuối triều đại nhà Thanh Ái Tân Giác La Hiển Dư.
Năm 1912, sau khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, Túc Thân Vương Thiện Kỳ vì không cam lòng nhìn cơ nghiệp tổ tông sụp đổ nên đã lên kế hoạch nhằm khôi phục ngai vàng của dòng họ Ái Tân Giác La.
Ông gửi toàn tất cả các con gái của mình ra nước ngoài mà chủ yếu là sang Nhật. Mục đích của việc này là mong muốn các con khi ra nước ngoài sẽ tìm những thế lực lớn mạnh có thể giúp ông khôi phục lại sự nghiệp Đại Thanh.
Hiển Dư khi được gửi sang Nhật chỉ mới 6 tuổi. Tại Nhật, bà làm con nuôi của Kawashima Naniwa – một người bạn của Túc Thân vương.

Hiển Dư khi còn nhỏ.
Từ đó, Hiển Dư đổi tên là Kawashima Yoshiko theo họ của cha nuôi và bị Nhật hóa hoàn toàn. Cha nuôi đã cho bà bắt đầu theo huấn luyện về chính trị, kỹ năng quân sự, tình báo.... Vì vậy, chỉ vài năm sau, Yoshiko bắt đầu biến thành một cô gái ngang ngược, ương bướng và hoang dại.
Năm 15 tuổi, Yoshiko vào học tại trường Cao đẳng matsumoto. Mặc dù đường từ nhà tới trường không xa nhưng Yoshiko kiên quyết đòi cưỡi ngựa đi học. Đối với Yoshiko, cưỡi ngựa không chỉ đơn thuần là để di chuyển, mà còn là một trò vui mỗi khi con ngựa của cô làm náo loạn khu vực sân trường. Có lúc, Yoshiko còn dắt ngựa vào trong phòng học, thậm chí buộc ngựa ở ngay trên bục giảng của thầy giáo, khiến cả lớp học từ thầy tới trò đều hoảng loạn.
Trường học đã phải gọi cha nuôi của Yoshiko tới và hy vọng ông ta có thể bảo ban con gái ngang ngược, coi trời bằng vung của mình. Thế nhưng, Naniwa bên ngoài gật đầu tiếp thu, còn khi trở về chỉ nói Yoshiko vài câu cho có lệ.

Sang Nhật, Yoshiko trở thành cô gái ngang ngược, nổi loạn nhiều lần.
Năm 18 tuổi, Yoshiko trở thành người con gái xinh đẹp khiến bất cứ chàng trai nào cũng phải rung động. Yoshiko gặp và yêu chàng trai có tên Moriyama, là một cựu học sinh khôi ngô, tuấn tú. Tuy nhiên, chàng trai này lại không được Naniwa chấp thuận, vì vậy Yoshiko đã chia tay anh chàng này.
Tuổi 18 đau đớn khi chia tay mối tình đầu và cũng chính là ký ức kinh hoàng của Yoshiko khi bị chính cha nuôi cưỡng hiếp.
Vào một đêm tháng 10/1925, Naniwa gọi Yoshiko tới phòng làm việc và nói rằng có bức tranh Trung Quốc rất nổi tiếng muốn cho Yoshiko xem. Ngay khi Yoshiko bước vào phòng thì Naniwa đóng sập cửa lại và lao tới ôm chặt lấy cô. Vùng vẫy, khóc lóc để thoát ra nhưng cô không có cách nào thoát khỏi cơn dục vọng của Naniwa.

.
Yoshiko lúc sinh thời.
Sau đêm nhục nhã đó, Yoshiko đã nhiều lần tự sát nhưng không thành công. Yoshiko cũng muốn rời khỏi người cha thú tính của mình, tuy nhiên, cuối cùng vẫn ở lại bên Naniwa. Và lý do Yoshiko ở lại với người cha nuôi đã cưỡng bức mình là gì thì không một ai rõ cho tới ngày nay.
Cũng kể từ đó, Yoshiko thay đổi phong cách, cô cắt tóc ngắn và chuyển sang mặc đồ Tây giống như đàn ông.
Cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị và cái kết bi thảm
Năm 1927, Yoshiko kết hôn với Ganjuurjab, người Mông Cổ, con trai của tướng Quân đội Nội Mông Jengjuurjab, người lãnh đạo phong trào ly khai độc lập cho Mông Cổ - Mãn Châu tại Ryojun. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị này chỉ kéo dài trong 2 năm, sau đó Yoshiko trở về Thượng Hải.
Tại đây, Yoshiko gặp tướng Takayoshi Tanaka, chỉ huy tình báo Nhật tại thành phố này trong một buổi dạ tiệc mừng năm mới. Trở thành tình nhân của Tanaka, chẳng bao lâu sau được Tanaka tuyển dụng làm điệp viên, Yoshiko được chính Tanaka đặt cho biệt danh “Ngọc Phương Đông”.
Năm 1931, để lấy cớ đưa quân vào Thượng Hải thành lập tô giới, Tanaka đưa cho Yoshiko 10.000 USD tiền mặt và giao nhiệm vụ thuê mướn các băng nhóm tội phạm người Trung Hoa tổ chức tấn công, cướp phá các cơ sở kinh doanh của người Nhật tại Thượng Hải. Lấy cớ để bảo vệ quyền lợi của người Nhật, quân Nhật sẽ tiến vào Thượng Hải.
Cải trang thành một doanh nhân người Trung Hoa, Yoshiko thuê mướn 12 băng nhóm tội phạm thực hiện mưu đồ. Không chỉ cướp phá cơ sở kinh doanh của người Nhật, các băng nhóm này còn đánh đập nhiều người Nhật đến thương tích. Và thế là lấy cớ bảo vệ kiều dân Nhật, tướng Nhật Hidaki Tojo đưa quân vào Thượng Hải.



Yoshiko (thứ hai từ phải sang) thường xuyên xuất hiện trong trang phục nam giới.
Nhiệm vụ thành công, Yoshiko không những được trọng thưởng mà còn được đích thân Tanaka giới thiệu với tướng Kenji Doihara, chỉ huy tình báo Nhật tại Trung Quốc để nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ lần này của “Ngọc Phương Đông” Yoshiko là dùng sắc đẹp mê hoặc và thuyết phục vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi rời thành phố Tientsin đến thủ phủ Mukden để nhận chức vụ Hoàng đế Mãn Châu do quân Nhật dựng lên.
Thông qua một người hầu của Phổ Nghi, Yoshiko tiếp cận được với vị hoàng đế cuối cùng này. Sau khi đã thân thuộc, Yoshiko khuyên Phổ Nghi nên nhanh chóng rời Tientsin đến Mukden để được quân Nhật bảo vệ, nhằm tránh những âm mưu ám hại, trong đó có cả âm mưu loại bỏ ông của Quốc dân đảng. Và khi Phổ Nghi còn chưa đưa ra quyết định dứt khoát, Yoshiko đã dùng nhiều thủ đoạn để buộc vị hoàng đế này phải quyết định ra đi.
Phổ Nghi do lo ngại tính mạng bị đe dọa đã quyết định đến Mukden để được quân Nhật bảo vệ. Tại Mukden, quân Nhật dùng áp lực buộc Phổ Nghi tuyên bố thành lập Nhà nước Manchukuo, tách hẳn khỏi Trung Quốc. Từ đó, Phổ Nghi trở thành Hoàng đế Manchukuo.
Điệp vụ chiêu dụ Hoàng đế Phổ Nghi thành công, Yoshiko được phong chức thiếu tá tình báo và trở thành nhân tình của tướng Nhật Hayao Tada, cố vấn quân sự của Hoàng đế Phổ Nghi.
Trong thời gian hoạt động tại Mukden, Yoshiko đã thành lập một đội quân từ 3.000 đến 5.000 tên toàn đầu trộm đuôi cướp để giúp Tada bình ổn xã hội Mukden. Tháng 10/1932, Yoshiko còn có mặt trên một chiếc máy bay của Không quân Nhật ném bom xuống thành phố Thượng Hải và vỗ tay reo hò khi thấy hàng trăm ngôi nhà bị bom phá hủy.

Yoshiko Kawashima trong một phòng thu âm vào năm 1933.
Năm 1937, khi thành phố Bắc Kinh rơi vào tay quân Nhật, Yoshiko được tướng Doihara phái đến đây để thành lập mạng lưới điệp báo có nhiệm vụ do thám hoạt động của các phe phái, cá nhân chống đối sự đô hộ của quân Nhật. Chỉ trong vòng vài tháng, Yoshiko đã thành lập được một mạng lưới điệp báo đông đến 500 người để thâm nhập và do thám tận ngóc ngách xã hội Bắc Kinh.
Sở chỉ huy của Yoshiko đặt tại một khách sạn sang trọng ngay trung tâm Bắc Kinh và là nơi lui tới của nhiều sĩ quan tình báo Nhật và một số điệp viên nội gián người Hoa làm việc cho Quốc dân đảng. Để có tiền chi phí cho mạng lưới điệp báo của mình, Yoshiko lên danh sách những người Hoa giàu có rồi sau đó gọi đến đe dọa buộc phải chu cấp tiền bạc nếu không muốn làm khó dễ cho công việc kinh doanh hoặc bị gán ghép tội chống lại quân Nhật. Biết đây là một nhân vật đặc biệt nguy hiểm, Quốc dân đảng đã nhiều lần tổ chức các đội cảm tử tấn công giết hại Yoshiko nhưng không thành do nữ điệp viên này biết cải trang thành nhiều nhân vật, nhiều gương mặt khác nhau.
Năm 1945, khi quân Nhật thất trận, Yoshiko hóa trang thành một phụ nữ Trung Hoa nghèo khó sinh sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở ngoại ô Bắc Kinh, rồi tìm cách quay về Nhật để trốn tránh tội lỗi của mình. Tuy nhiên, đầu năm 1948, Yoshiko đã bị bắt giữ.

Yoshiko bị tuyên án tử hình với tội danh phản quốc.
Với 4 tội danh: Một là, Yoshiko tuy mang hai quốc tịch (Trung Quốc và Nhật Bản), nhưng bố là Túc thân vương, nên rõ ràng là người Trung Quốc và phải bị xử lý về tội làm Hán gian. Hai là, Yoshiko có quan hệ qua lại thân thiết với những nhân vật quan trọng trong quân đội Nhật, tiến hành hoạt động gián điệp dưới lốt "nam giới" trong sự kiện 28/1/1932, dẫn tới sự kiện Thượng Hải. Ba là, Yoshiko tham dự vào các hoạt động chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền ngụy Mãn Châu và đưa Phổ Nghi cùng gia quyến ra khỏi Thiên Tân. Bốn là Yoshiko có sự qua lại lâu dài với quân Quan Đông và được phong làm "Tư lệnh an quốc quân". Năm 1948, Yoshiko đã bị xử tử, đặt dấu chấm hết bi thảm cho một nữ điệp viên được mệnh danh là "Mata Hari của Viễn Đông".