Mặc dù số lượng hổ hoang dã trên thế giới được cho là đã ổn định trong vòng 4 năm qua, song hơn 140 đại biểu đến từ 13 nước có hổ sinh sống, bao gồm Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam và một số tổ chức quốc tế tham dự một hội nghị quốc tế mới đây về bảo vệ loài hổ hoang dã tại Dhaka, Bangladesh cũng cho rằng việc thiếu con số chính xác về số lượng hổ là một trong những cản trở lớn nhất cho việc đưa ra được một chính sách bảo vệ.
Hội nghị cũng nhất trí xác định số lượng hổ thực tế trong tự nhiên trong vòng 2 năm, tức là sẽ hoàn thành vào năm 2016 để thay thế cho những con số cho đến nay đuợc đưa ra dựa chủ yếu vào ước đoán.
Trong khi đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết số lượng hổ hoang dã trên thế giới đã giảm mạnh xuống còn chưa đầy 3.200 con năm 2010 từ mức khoảng 100.000 trước đó một thập kỷ, và săn bắt, xâm lấn làm thu hẹp môi trường sống, ô nhiễm môi trường và buôn bán bất hợp pháp những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đối mặt nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật quý hiếm này.
Trong năm 2010, 13 quốc gia nói trên đã thông qua một kế hoạch hành động chung nhằm tăng gấp đôi quy mô đàn hổ hoang dã vào năm 2022. Với nỗ lực này, số lượng hổ được ghi nhận đã tăng lên ở một số nước như Ấn Độ, Nepal và Nga, song săn bắt trộm vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn.
Theo thống kê của Traffic - mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã, có ít nhất 1.590 con hổ, hay trung bình 2 con một tuần, đã bị các cơ quan chức năng của các nước thu giữ từ tháng 1/2000 đến tháng 4/2014.
Ông Mik Blatzer, một quan chức thuộc cấp cao của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) lưu ý rằng săn bắt trộm vẫn là mối đe dọa số một đối với loài hổ, song chính phủ nhiều nước vẫn chưa đưa ra và thực hiện một cam kết thực sự đủ mạnh trong việc chống lại nạn săn bắt bất hợp pháp.
Hơn nữa, môi trường sống tự nhiên của các loài, trong đó có loài hổ cũng bị xâm lấn, thu hẹp, giảm chất lượng và chịu nhiều tác động tiêu cực, kể cả tại các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia trong 10 năm qua.
Mới đây nhất, Bangladesh đã bị chỉ trích vì xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất lớn chạy bằng than đá sát ngay khu rừng ngập mặn Sundarbans – nơi sinh sống chủ yếu của đàn hổ ở quốc gia Nam Á này.
Các chuyên gia lo ngại rằng nhà máy điện 1.320 MW đang được xây dựng, chỉ cách Sundarbans 14 km sẽ gây ô nhiễm nước của khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, đe dọa cả đa dạng sinh học lẫn cuộc sống của đàn hổ hoang dã tại đây.