Dừng thu tiền tổ chức văn nghệ 700 nghìn/phụ huynh
Vừa qua, thông tin việc thu tiền phục vụ cho chuẩn bị chương trình văn nghệ của một lớp học tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) được chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Cụ thể, đại diện cha mẹ học sinh lớp 8H nhắn trong nhóm phụ huynh của lớp huy động thu 700.000 đồng/học sinh để mua áo đồng phục và kinh phí để chuẩn bị cho tiết mục diễn văn nghệ tập thể lớp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tuy nhiên, khi vấn đề này đưa ra triển khai, có một số phụ huynh trong lớp đã phản đối và nhắn trực tiếp lại trong nhóm. Nội dung viết: “Em xin phép con em không tham gia. Ba năm học, lần đầu tiên em ý kiến vì số tiền chi quá cao. Có những gia đình nhiều con đi học, đầu năm đã thu bao nhiêu khoản khác, chi 700.000 đồng cho việc này là hơi nhiều”. Tuy nhiên, trước ý kiến này, đại diện phụ huynh của lớp vẫn giữ nguyên chủ trương mong các phụ huynh “cố gắng một chút”. Lớp vẫn tiếp tục triển khai tiết mục văn nghệ trừ các bạn có phụ huynh không đồng tình.
Số tiền chuẩn bị chương trình văn nghệ đưa ra khiến một số phụ huynh không đồng tình và cho rằng hơi nhiều trong khi đầu năm học có nhiều khoản đóng góp. |
Trước sự việc này, ngay chiều hôm qua (24/10), Trường THCS Hà Huy Tập đã tổ chức họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và yêu cầu dừng ngay việc triển khai các khoản thu không đúng quy định.
Bà Hà Lê Hòa Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường đã chỉ đạo chấn chỉnh lại giáo viên chủ nhiệm, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và các lớp, trong đó có lớp 8 nêu trên về cách thức làm việc. Chủ trương này vừa mới thông báo trong nhóm phụ huynh lớp hiện chưa triển khai thu.
Theo hiệu trưởng nhà trường các chương trình chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là hoạt động trải nghiệm cho học sinh, mục đích tri ân thầy cô giáo chứ không phải như diễn viên chuyên nghiệp lên sân khấu biểu diễn. Vì vậy các hoạt động trên tinh thần cho các cháu tự tổ chức tập luyện, có ý nghĩa, tiết kiệm. Kinh phí không được phép chia cho phụ huynh để vận động.
Bà Hà Lê Hòa Bình nói thêm, theo kế hoạch tổ chức hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Liên đội Trường THCS Hà Huy Tập, có nhiều cuộc thi ý nghĩa gồm: thi đua Tuần học tốt - Giờ học tốt; thi Lớp sạch, lớp đẹp; thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” đối với học sinh khối 9; thi clip “Tuyên truyền, giới thiệu sách trực tuyến tỉnh năm 2023” đối với học sinh khối 7; thi văn nghệ đối với học sinh khối 6; thi dân vũ đối với học sinh khối 8 (Trang phục thi dân vũ ghi rõ là đồng phục thể thao của trường hoặc lớp nếu có).
“Sự việc xảy ra vừa qua ở lớp 8 do phụ huynh lo lắng để tổ chức cho các con nên đã vội vàng chưa xin ý kiến của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Đây chỉ là tự phát của 1 lớp và hoàn toàn do phụ huynh thực hiện chứ không phải chủ trương của nhà trường”, bà Hà Lê Hòa Bình cho biết.
Chấn chỉnh hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh
Trước đó, tại Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường cũng công một bản thu chi trong năm học 2022 – 2023. Trong đó, có nhiều khoản chi không đúng với hướng dẫn của Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về điều lệ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cụ thể như chi để phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, chi mua quà cho các ngày lễ như 20/11, 8/3… Tổng số các khoản thu và chi của Hội phụ huynh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 là gần 200 triệu đồng.
Theo thầy Nguyễn Bá Tình – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2, sự việc diễn ra vào năm học trước và mới đây, nhà trường đã có buổi làm việc với ban đại diện cha mẹ học sinh.
Qua trao đổi, được biết các hoạt động chi trên đều là cho hoạt động của học sinh nhà trường, hoặc tuy nhiên tên gọi các khoản chi gây hiểu nhầm. Ví dụ chi cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT là viết tắt cho việc chi hỗ trợ học sinh tổ chức chương trình hoạt động tình nguyện mùa thi.
Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa quán triệt lại hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh: Hồ Lài. |
Nhà trường cũng đã nhắc nhở và yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh khi đưa ra các hoạt động sử dụng quỹ hội trường, hội lớp đều phải có sự thống nhất, đồng ý cũng như giám sát của Ban giám hiệu.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, Sở đã yêu cầu các nhà trường giám sát chặt chẽ các khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đồng thời kiểm tra các kế hoạch thu chi của hội để đảm bảo thu đúng, chi đủ, thu không trái quy định với các khoản thu theo tinh thần hướng dẫn của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT – Thông tư ban hành điều lệ cha mẹ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tư 55 đã hướng dẫn rất rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, hoạt động và kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó, quy định Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Theo đó, tất cả khoản thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, ở trường đều cần có sự kiểm tra, giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Tránh thu sai và chi sai trái quy định. Việc thu chi phải có kế hoạch cụ thể trên cơ sở có sự thống nhất và đồng tình của phụ huynh trong lớp, trong trường tránh tạo ra dư luận không tốt trong xã hội.
Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra hoạt động toàn diện của các nhà trường, trong đó có công tác thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại một số đơn vị trường học trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai…
Tại các buổi kiểm tra, lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện theo đúng kế hoạch hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm học đã được phê duyệt. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra về nội dung này.