Sở GD&ĐT lên tiếng việc trường huy động tiền tỷ kỷ niệm thành lập

GD&TĐ - Một trường THPT ở Thanh Hóa lên kế hoạch kêu gọi ủng để tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TL.
Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TL.

Huy động hơn 2,6 tỷ đồng

Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã ban hành “Dự kiến kế hoạch thực hiện các công việc chuẩn bị các điều kiện và tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường”.

Theo kế hoạch của nhà trường, lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường sẽ được tổ chức vào đầu, hoặc trung tuần tháng 11/2023.

Ngoài các hoạt động chào mừng kỷ niệm thành lập trường, như: Tổ chức phát động thi đua “Dạy tốt - Học tốt”..., nhà trường đã xây dựng kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ kinh phí từ các thầy, cô giáo, thế hệ cựu học sinh, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

Bản dự kiến các khoản chi trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường THPT Lê Văn Hưu. Ảnh: TL.

Bản dự kiến các khoản chi trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường THPT Lê Văn Hưu. Ảnh: TL.

Theo đó, nhà trường đưa ra các hạng mục cần phải làm và dự kiến tổng kinh phí, là: 2.655.000.000 đồng (chưa bao gồm công trình đặt tượng, tổ chức tiệc giao lưu giữa các thế hệ thầy, cô giáo và thế hệ cựu học sinh), gồm: Xây dựng nội thất nhà truyền thống: Từ 350 đến 450 triệu đồng. Sơn, làm lan can khu hiệu bộ 3 tầng: 300 triệu đồng.

Xây dựng thư viện xanh: 200 triệu đồng. Xây dựng công trình đặt tượng nhà Sử học Lê Văn Hưu tại khuôn viên trường: 900 triệu đồng (số tiền này do cựu học sinh khóa 1988-1991 đã đăng ký làm và đang thực hiện các thủ tục để xây dựng).

Trang trí khuôn viên trường: 80 triệu đồng. Biên tập, xuất bản và in kỷ yếu 1.500 cuốn: 225 triệu đồng. Công tác tuyên truyền, truyền thông: Làm phóng sự, viết bài trên báo, đưa tin trên đài truyền hình, in báo, bảng biểu, lắp đặt pano, áp phích: 150 triệu đồng. Giấy mời, lễ tân, tổ chức thể thao, văn nghệ, đốt lửa trại: Dự kiến 100 triệu đồng.

Giao lưu gặp mặt, tổ chức tiệc đứng của các thể hệ cựu học sinh, thầy, cô giáo chiều thứ 7 (trước ngày đại lễ): Số lượng tuỳ vào đăng ký của các lớp, khoá cựu học sinh: dự kiến mỗi suất 300.000 đồng.

Thuê tổ chức sự kiện ngày đại lễ: Dự kiến 300 triệu đồng. Tiệc đứng sau buổi lễ sáng ngày Chủ nhật (đại biểu là các thế hệ thầy, cô giáo, đại diện thế hệ cựu học sinh, khoảng 1.500 người): Dự kiến 450 - 500 triệu đồng.

Quà lưu niệm cho các thầy, cô giáo, các đại biểu: 250 triệu đồng. Công tác an ninh bảo vệ, y tế...: 50 triệu đồng. Kinh phí dự phòng: 50 triệu đồng.

Hiệu trưởng nói gì?

Làm việc với PV Báo GD&TĐ, ông Lê Đình Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Hưu xác nhận, kế hoạch nêu trên là do nhà trường xây dựng, để chuẩn bị tổ chức 60 năm ngày thành lập trường. Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo Thường trực Huyện ủy Thiệu Hóa về vấn đề này. Đồng thời, tháng 5 tới, nhà trường sẽ làm báo cáo gửi Sở GD&ĐT.

“Việc tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường là mang ý nghĩa giáo dục, kết nối các thế hệ học sinh để quan tâm đến sự phát triển giáo dục của nhà trường. Chủ trương của Đảng bộ nhà trường, giáo viên là như vậy.

Số kinh phí huy động được sẽ xây dựng nhà truyền thống của nhà trường, hỗ trợ để tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất, để phục vụ giáo dục trong nhà trường”, ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, tính đến ngày 31/3, số tiền ủng hộ từ các khóa học sinh về cho nhà trường là 850 triệu đồng.

Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa đang được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình với số tiền hàng chục tỷ đồng. Ảnh: TL.

Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa đang được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình với số tiền hàng chục tỷ đồng. Ảnh: TL.

“Sự kiện kỷ niệm là rất có ý nghĩa cho nhà trường. Việc vận động các cựu học sinh là hoàn toàn tự nguyện, không đưa ra mức hỗ trợ cụ thể. Không huy động phụ huynh học sinh đang học tại trường”, ông Sinh nói.

Sáng 13/4, trao đổi với GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Trường THPT Lê Văn Hưu đã có tờ trình gửi Sở về việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập trường, nhưng Sở chưa có văn bản trả lời. Về chủ trương, thì Sở sẽ thống nhất cho nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm này, vì 60 năm là năm chẵn.

“Việc huy động tài trợ từ nguồn xã hội hóa để tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trường, thì cũng được phép, nhưng cách huy động như thế nào đó vừa phải. Tuy nhiên, lẽ ra nhà trường cứ huy động thôi, còn được nhiều hay được ít đều tốt cả, chứ không nên ấn định là phải huy động với số tiền như vậy. Nhà trường cần có cách làm phù hợp, không ép buộc. Qua đây, cũng để ông Lê Đình Sinh rút kinh nghiệm trong việc kêu gọi xã hội hóa”, ông Lựu nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, sau khi nhà trường phát hành bản dự kiến kế hoạch kêu gọi và ấn định số tiền 2.655 triệu đồng, để tổ chức tu sửa cơ sở vật chất, tổ chức sự kiện ngày thành lập, nhiều cựu học sinh của ngôi trường này có ý kiến không đồng tình với cách làm nêu trên.

Bởi lẽ, việc tổ chức kỷ niệm thành lập trường là để các thế hệ giáo viên, học sinh gặp gỡ nhau, giao lưu, ôn lại những kỷ niệm, truyền thống dạy và học của nhà trường. Nhưng, lễ kỷ niệm nên tổ chức trang trọng, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí và càng không nên gây ra sự “so sánh mức đóng góp” của các khóa học sinh lẫn nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.