Sở GD&ĐT TP HCM báo cáo vụ hành hạ trẻ mầm non ở quận Thủ Đức

Sở GD&ĐT TP HCM báo cáo vụ hành hạ trẻ mầm non ở quận Thủ Đức
 

(GD&TĐ) - Ngay sau bài viết “Đầy đọa trẻ mầm non” trên báo Tuổi trẻ ngày 17/12/2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT TPHCM khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân đối với sự việc nêu trên và xử lý theo quy định, báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 19/12/2013.

Chiều 17/12/2013, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đã có công văn số 4253/GDĐT-VP báo cáo giải trình về vụ việc đến Bộ GD&ĐT. 

Chân dung bảo mẫu nhẫn tâm

Đông Phương và Thiên Lý (từ trái qua) của cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, bị khởi tố vì hành vi "hành hạ người khác" .
Đông Phương và Thiên Lý (từ trái qua) của cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, bị khởi tố vì hành vi "hành hạ người khác" .
 

Thông tin trên báo chí đã phản ảnh hành vi bạo hành trẻ mầm non tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh (đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), gây bức xúc trong xã hội.

Theo công văn giải trình của Sở GD&ĐT TPHCM, nhóm lớp mầm non tư thục Phương Anh mà báo Tuổi trẻ đưa tin thực chất là một điểm giữ trẻ không phép. Theo báo cáo của UBND quận Thủ Đức, điểm giữ trẻ trên do Lê Thị Đông Phương, sinh năm 1982, HKTT: 112/273A đường Nguyễn Duy, phường 9, quận Thủ Đức. Tạm trú số 18, đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước làm chủ nhóm.

Bảo mẫu Đông Phương có trình độ đại học, chuyên ngành Giáo dục mầm non, xếp loại tốt nghiệp Khá, do Trường ĐH Sài Gòn cấp ngày 24/11/2011; đã học qua lớp sơ cấp cứu căn bản; đã qua lớp tập huấn VSATTP; lớp quản lý chủ trường (QL30); lớp cấp dưỡng (CD50); đã có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non Hoa Lư.

Chồng bảo mẫu Phương là ông Lê Đào Phùng, có trình độ Thạc sỹ, đang dạy nhạc ở Nhạc viện TPHCM và Đại học Văn hóa Quân đội. Hai vợ chồng đã tổ chức hoạt động dạy đàn cho trẻ từ tháng 6/2012, chủ yếu là dạy đàn cho trẻ từ 4 - 10 tuổi.

Khoảng tháng 8/2012, bảo mẫu Phương  chính thức nuôi giữ trẻ tại nhà. Lúc đầu chỉ có 3 trẻ, do Phương trực tiếp trông giữ. Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương có  hiểu biết nhưng không đi đăng ký hoạt động khi phường yêu cầu và lại tuyển người giữ trẻ không có trình độ chuyên môn. Từ ngày 29/8/2013, Phương đã tuyển Nguyễn Lê Thiên Lý (sinh năm 1994) vào làm cấp dưỡng và tuyển Nguyễn Thị Điều (sinh năm 1989) làm bảo mẫu. Hàng ngày Lý có nhiệm vụ nấu ăn cho các bé và thỉnh thoảng phụ cho ăn vào bữa trưa, còn Phương và Điều thì dạy trẻ, cho ăn và chăm sóc các bé.

Cố tình liên tục vi phạm pháp luật

Ngày 15/11/2013, Tổ Kiểm tra liên ngành của phường đã tiến hành kiểm tra tại địa chỉ trên và ghi nhận: Bảo mẫu Phương có giữ 9 trẻ, độ tuổi 12 tháng tuổi trở lên, UBND phường đã lập biên bản kiểm tra và đề nghị bảo mẫu Phương ngừng việc nuôi giữ trẻ tại địa điểm trên, đồng thời hướng dẫn bà Phương làm các hồ sơ để được cấp phép hoạt động theo quy định, đồng thời yêu cầu bà Phương tháo bảng hiệu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Đến 15h5 ngày 6/12/2013, UBND phường tiếp tục kiểm tra  tại địa chỉ trên vì vẫn còn nuôi giữ trẻ. Tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc “Tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Đồng thời ban hành quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 11/12/2013 của UBND phường Hiệp Bình Phước phạt 750.000 đồng vi phạm điểm a, khoản 4, Điều 8, Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 08/06/2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 49/2005/NĐ-CP ngày 11/04/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và yêu cầu ngừng ngay việc nuôi giữ trẻ trên.

Lúc 12 giờ 30 ngày 13/12/2013, nhận được tin báo từ Công an phường Hiệp Bình Phước, có người tố cáo bảo mẫu của nhóm trẻ Phương Anh có hành vi hành hạ trẻ em (có kèm theo một số đoạn video clip quay cảnh bảo mẫu hành hạ các bé), UBND Hiệp Bình Phước đã tiến hành kiểm tra lập biên bản vụ việc và Công an phường đã mời đương sự về làm việc.

Trách nhiệm quản lý ngành dọc

Với trách nhiệm quản lý ngành dọc, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp UBND các quận, huyện, cùng với Phòng GD&ĐT các quận, huyện thực hiện các việc kiểm tra, xử lý. Ngay đầu năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT TPHCM đã triển khai văn bản số 3189/GDĐT-MN về đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Phòng GD&ĐT quận, huyện đã tiến hành kiểm tra 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập, 1.379 nhóm lớp có phép và 92 nhóm lớp không phép. 

Kết quả cho thấy: Có 12/451 trường ngoài công lập, 130/1.379 nhóm lớp có phép và 84/92 nhóm không phép chưa đảm bảo yêu cầu.

Đối với các trường, nhóm lớp chưa đảm bảo yêu cầu, Phòng GD&ĐT quận, huyện cho thời hạn khắc phục các hạn chế và sẽ kiểm tra lại trong tháng 12. Tuy nhiên, đối với những nhóm không thể khắc phục thì đề xuất với UBND phường, xã để ngừng cấp phép hoạt động.

Sở GD&ĐT TPHCM đã trình Dự thảo Chỉ thị của UBND TPHCM về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non tại TPHCM, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh.

Đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non

Chấn chỉnh tình trạng không đảm bảo an toàn cho trẻ tại một số cơ sở mầm non, khiến cha mẹ lo lắng, gây bức xúc trong xã hội, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT kiểm tra, nắm tình hình triển khai nhiệm vụ đầu năm học mới, đặc biệt là thực hiện các văn bản quy định về đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ cả về thể chất và tinh thần trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Cùng đó, chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định và chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho trẻ; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, thanh kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy định về việc đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức và trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có biện pháp chăm sóc, giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ