Sở GD&ĐT Ninh Thuận: Dẫn giải thiếu nhất quán công văn do mình ban hành?

GD&TĐ - Ngày 17/9/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 2231/SGDĐT-NVDH về việc chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo. 

Công văn 2231 của Sở GD&ĐT thể hiện rất rõ việc loại bỏ ngôn ngữ lập trình Pascal trong năm học 2021 – 2022.
Công văn 2231 của Sở GD&ĐT thể hiện rất rõ việc loại bỏ ngôn ngữ lập trình Pascal trong năm học 2021 – 2022.

Để triển khai Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT năm học 2020 - 2021, ngày 17/9/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 2231/SGDĐT-NVDH về việc chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo. 

Công văn 2231 của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận (do ông Nguyễn Anh Linh ký) thể hiện rất rõ ở mục tiêu công văn ban hành là “Chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022” (sau đây gọi là Công văn 2231).

Công văn 2231 nêu: Theo sách giáo khoa hiện hành môn Tin học 8 và Tin học 11 sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal để minh họa. Tuy nhiên, ngôn ngữ Pascal là ngôn ngữ lập trình sơ khai, nay đã khá lạc hậu vì nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, gây quá tải cho việc dạy và học.

Hiện nay có một số ngôn ngữ lập trình như: Scratch, Python, C, C++... dễ học, trực quan, thông dụng, thu hút học sinh mà vẫn đảm bảo được mục đích và yêu cầu cần đạt của chương trình. Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 và Tin học lớp 11 như sau:

“Tin học 8: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng bảo đảm tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS. Tin học 11: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Python hoặc C, C++. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Python (đây là ngôn ngữ lập trình dễ học, có tính ứng dụng cao, có tính kế thừa khi học sinh vào đại học thuộc các trường đại học khối kỹ thuật và kinh tế)” - Công văn 2231 nêu rõ.

Tuy nhiên, trong Công văn số 2579/SGDĐT-TTr ngày 19/10/2021 do ông Nguyễn Huệ Khải - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận ký – gửi Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Ninh Thuận về việc “Trao đổi, cung cấp thông tin tài liệu khoa học trong việc giải quyết vụ việc theo đơn thư của nhà giáo Lê Văn Huyên với Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại” (sau đây gọi là Công văn 2579) lại diễn giải theo một tinh thần khác.

Theo đó, Sở GD&ĐT khẳng định: Công văn số 2231/SGDĐT-NVDH ngày 17/9/2021 của Sở GD&ĐT hướng dẫn về việc thực hiện chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022, theo đó đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 theo hướng khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng đảm bảo tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS.

Như vậy, ngôn ngữ lập trình Pascal được sử dụng trong giảng dạy chương trình môn Tin học cho học sinh cấp THPT trong hệ thống giáo dục quốc dân trên toàn quốc (trong đó có Ninh Thuận).

Có thể thấy, Công văn 2579 đã "quên" nhắc đến nội dung đề nghị của chính Sở GD&ĐT là: “Tin học 8: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python” và chỉ nhắc đến nội dung: “Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng đảm bảo tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS”.

Và nội dung tiếp tục giảng dạy ngôn ngữ lập trình Pascal – dù không được thể hiện trong công văn – vẫn được diễn giải theo hướng khẳng định tiếp tục được sử dụng trong giảng dạy chương trình môn Tin học cho học sinh cấp THPT của Ninh Thuận.

Rõ ràng giữa Công văn 2231 do Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Anh Linh ký và Công văn số 2579 do Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Huệ Khải ký đã có sự “tréo ngoe” trong chỉ đạo và báo cáo.

Để làm sáng tỏ sự thiếu nhất quán trong việc ban hành Công văn 2231 và Công văn số 2579 của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, phóng viên Báo GD&TĐ đã nhiều lần liên hệ xin lịch làm việc nhưng vẫn không nhận được phản hồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ