Chiều 6/8, thông tin từ Sở du lịch TP.HCM cho biết, vụ việc tài xế xe xích lô lấy của du khách người Nhật 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe hơn 5 phút... hiện Sở Du lịch đã giao Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Liên đoàn Lao động Quận 1… xác minh chính xác sự tình, sau đó sẽ có thông tin chính thức để cung cấp cho cơ quan chức năng, người thân của vị du khách Nhật (đã về nước) và cơ quan truyền thông, báo chí.
Trước đó, vào ngày 3/8, một du khách Nhật Bản khi đi dạo quanh khu vực trung tâm Quận 1 đã bị một người đạp xích lô đẩy xe theo và mời đi xe. Khi gần đến chợ Bến Thành, vị du khách người Nhật đồng ý để người đạp xích lô chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1). Khi đến nơi, du khách người Nhật đã móc ví trả cho người đạp xích lô 500.000 đồng, tuy nhiên người đạp xích lô không đồng ý và đòi thêm. Khi vị du khách Nhật chưa kịp rút thêm tiền thì bất ngờ người đạp xích lô đã thò tay vào bóp lấy thêm 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 2 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng rồi bỏ đi. Như vậy, tổng số tiền mà vị du khách Nhật Bản phải trả cho chuyến đi dài 1,5 km là 2,9 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở du lịch cho rằng: Hành động của người chạy xích lô đã thể hiện “bề nổi” của tình trạng "chặt chém" du khách đã và đang xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Nạn "chặt chém" được xem là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch gây hoang mang tâm lý lo lắng cho du khách. Hiện TP.HCM là nơi dễ dàng tiếp cận với các phương tiện giao thông, có nguồn nhân lực phục vụ du lịch khá chuyên nghiệp, luôn nhiệt tình, thân thiện và mến khách.. Do đó, TP luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch như: hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng…, đặc biệt là lực lượng tài xế, trong đó có tài xế xe xích lô là một trong những cầu nối để khách du lịch hiểu thêm về văn hóa, cách sinh hoạt, lối sống của người dân TP.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM
Để chấn chỉnh tình trạng "chặt chém" du khách, bà Hoa cho biết, Sở đã và đang phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong, lực lượng công an tại các quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm có đông khách du lịch tham quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ du khách kịp thời, tránh trường hợp sự việc đã rồi mới xử lý, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Tổng đài thông tin du lịch 1087 để tiếp nhận và chuyển xử lý thông tin, cung cấp các số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch và đường dây nóng (số điện thoại: 028.3823 4056) của Thanh tra Sở để tiếp nhận các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự trong du lịch.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tiếp nhận, xử lý 2.652 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách; các đối tượng xích lô, taxi dù, hàng rong thu quá giá quy định; hướng dẫn khách tham quan trình báo công an các vụ việc mất cắp liên quan đến tài sản tính mạng của khách; tích cực trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ du khách trong việc phát hiện, truy đuổi, khống chế, bắt các đối tượng phạm pháp giao cơ quan chức năng giải quyết; nhặt được của rơi, trả lại người mất…
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, cần xử lý hình sự người đạp xích lô với tội danh “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” của người khác, còn nếu người đạp xích lô có dùng vũ lực uy hiếp hành khách phải giao tiền thì đó là tội “Cướp tài sản”.
Theo khoản 1, Điều 172 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, luật sư Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh.