Cuốc taxi đắt giá

GD&TĐ - Thông tin một cụ ông người Nhật bị “chặt chém” tới 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút giữa trung tâm TPHCM một lần nữa nhắc lại câu chuyện về hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ già người Nhật 83 tuổi, từ Tokyo tới TPHCM thăm người thân sống ở đây, đang đi dạo thì một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi. Cuốc xích lô ngắn ngủi 5 phút được cụ ông trả 500 nghìn đồng, nhưng người đạp xe vẫn tự ý thò tay vào ví lấy thêm các tờ tiền khác rồi bỏ đi.

Nếu câu chuyện được nhà chức trách xác minh như vậy thì thật đáng tiếc. Vị du khách lớn tuổi, khi kể lại sự việc này, vẫn lên tiếng xin lỗi vì mình không hỏi giá trước, và cho biết cụ lên tiếng vì muốn du lịch Việt Nam là một hình ảnh đẹp. Thái độ khiêm tốn của cụ già càng khiến những người làm dịch vụ phải nhìn lại mình, người quản lý phải xem lại cách thức.

Đã có quá nhiều vụ chặt chém du khách xảy ra ở khắp nơi tại Việt Nam. Những người bán rong bán cả vài trăm nghìn cho một vài quả chuối cùng kèm theo mấy cú bấm máy ảnh ngay cạnh hồ Gươm, tài xế taxi, xích lô tính giá cao vài lần đến vài chục lần cho những cuốc đi ngắn ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đà Lạt... - những trung tâm du lịch quyến rũ nhất, du khách Australia bị lừa lên thuyền cũ kỹ, có chuột, phòng bẩn thỉu để thăm Vịnh Hạ Long...

Không chỉ du khách nước ngoài, du khách trong nước cũng bị tính giá cắt cổ cho một bữa ăn, bị chèo kéo, móc túi bởi chính những đồng bào mình... Những vụ việc đó đã khiến hình ảnh Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt du khách. Đành rằng ở bất kỳ các địa điểm du lịch nào trên thế giới cũng có những vấn đề tương tự, nhưng quan trọng là các nước xử lý nghiêm khắc đến thế nào, có giải pháp hiệu quả ra sao với tình trạng đó.

Không ít vụ việc đã tìm ra thủ phạm và bị xử lý hành chính, buộc trả lại tiền và xin lỗi du khách, có trường hợp người đứng đầu ngành du lịch đứng ra xin lỗi... Song có lẽ chúng ta chưa tìm ra những biện pháp đủ hiệu quả, đủ nghiêm để ngăn chặn tình trạng làm du lịch một cách chộp giật, chặt chém như vậy.

Có thể là các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương cần ra tay nhiều hơn để giúp du khách không phải đối mặt với những trải nghiệm xấu xí đó. Có lẽ cần nhiều hơn những quầy cung cấp thông tin du lịch tại các địa điểm công cộng, giá cả cần được niêm yết công khai, ứng dụng công nghệ để tính tiền tự động, tuyên truyền, giáo dục những người làm dịch vụ ứng xử văn minh thì bản thân họ mới có thể làm ăn lâu dài, bền vững.

Cách đây chưa lâu, Việt Nam đã được chọn là một trong những nơi đáng sống nhất với người nước ngoài. Không ít du khách quốc tế đến Việt Nam và người nước ngoài sống tại Việt Nam đã mô tả Việt Nam có một sức hấp dẫn đặc biệt về văn hóa, về lối sống, về con người, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Thế mạnh thì nhiều, nhưng nếu so sánh, số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn là quá ít so với các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cách cư xử gần gũi, thân thiện của người Việt luôn là một điểm cộng trong mắt du khách từ các nước phát triển, nơi cuộc sống công nghiệp bận rộn đôi khi lấn át việc thể hiện cảm xúc với người lạ. Thời đại công nghệ, chỉ một vài phút là những bình luận, đánh giá điểm thấp, hay những câu chuyện ứng xử đẹp đẽ, sẽ lan ra khắp các trang web du lịch quốc tế. Nên đừng để những cuốc xích lô, cuốc taxi chặt chém như thế khiến du khách ngại ngần khi gọi tên Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ