Cột mốc này cũng sẽ sớm bị phá vì hiện nay thế giới chỉ mất vài ngày để có thêm 1 triệu ca nhiễm mới, so với thời gian phải mất vài tháng như hồi đầu năm.
Gần như toàn bộ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, khiến đại dịch có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Ba quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất vẫn giữ nguyên trong vài tuần qua là Mỹ (5,2 triệu người), Brazil (3,1 triệu người) và Ấn Độ (2,2 triệu người). Số người tử vong tính đến 10/8 là 735 nghìn người và đang tiến đến cột mốc 1 triệu người sớm hơn dự đoán của các chuyên gia.
Đặc biệt tại Mỹ, các mô hình dự đoán về Covid-19 từ nay đến cuối năm không có nhiều tín hiệu tích cực. Mỹ chắc chắn sẽ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới và khoảng 300 nghìn người nước này sẽ chết vì nCoV vào cuối năm nay theo ước tính của giới chuyến gia y tế. Còn tại Brazil, số người nhiễm thực tế cao hơn nhiều so với thống kê do hạn chế về xét nghiệm. Trong khi đó, Brazil đã cho mở lại gần như hoàn toàn nền kinh tế, kể cả việc chào đón du khách quốc tế bất chấp việc đại dịch chưa được kiểm soát.
Quyết định mạo hiểm của Brazil phản ánh một thực tế hiện nay là nhiều nước đã thấm đòn và vượt quá sức chịu đựng về tài chính, buộc phải tái mở cửa khi dịch đang bùng phát để cứu vãn nền kinh tế. Ngay cả quốc đảo Singapore vốn có tiềm lực tài chính mạnh bậc nhất hành tinh cũng đang phải kêu gọi người dân kiên cường trước suy thoái kinh tế do Covid-19 còn có thể kéo dài. Với các quốc gia không có nhiều tích lũy giai đoạn trước đại dịch thì tình hình còn căng thẳng hơn gấp bội.
Ở chiều ngược lại, một số điểm sáng thế giới bắt đầu xuất hiện như châu Âu đang kiểm soát tốt dịch bệnh sau làn sóng đầu tiên khiến châu lục này từng là tâm dịch toàn cầu. Thậm chí một số nước như Thụy Điển được đánh giá là gần đạt đến mức miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đang chứng kiến nền kinh tế khởi sắc sau khi Covid-19 thoái lui, mang lại triển vọng lạc quan về sự phục hồi mọi mặt.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của thế giới liên quan đến Covid-19 là thời điểm những liều vắc-xin đầu tiên được đưa vào lưu hành, chứ không phải con số cập nhật ca nhiễm vốn trở nên quá nhàm chán. Một số nước giàu có như Thụy Sỹ đã nhanh chóng đặt mua 4,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 của tập đoàn Mỹ Moderna. Trong khi đó, chính phủ Mỹ thông báo sẽ chi tổng cộng 5,1 tỷ USD để mua vắc-xin từ nhiều hãng khác nhau.
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành và nền kinh tế đình trệ đến mức suy kiệt trên diện rộng hiện nay thì câu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" càng được chứng minh trên quy mô quốc gia. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo về sự bất cập của "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin", vì ngay cả khi các quốc gia giàu có sở hữu nhiều vắc-xin cũng không giúp họ an toàn trước dịch bệnh nếu các nước nghèo vẫn bị virus tấn công.