Số ca mắc Covid-19 ở Đức tăng cao kỷ lục, Anh phát hiện gen tăng cấp 2 nguy cơ tử vong

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có gần 250 triệu ca mắc Covid-19, gồm hơn 494 nghìn ca mới. Số ca tử vong là hơn 5,053 triệu ca, gồm gần 7,5 nghìn ca mới.

Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.
Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.

Tại Đức, các nhà lãnh đạo hôm qua (5/11) cho biết các bệnh viện có thể sớm trở nên đông đúc bởi bệnh nhân Covid-19 và có thể cần phải phong tỏa nếu không hành động khẩn cấp để đảo ngược số ca mắc đang gia tăng.

Thủ hiến bang Thuringia Bodo Ramelow cho biết, chỉ còn vài ngày nữa là số giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện không đủ.

Hôm qua, Đức báo cáo 37.120 ca mắc Covid-19 mới, đây là kỷ lục thứ 2 liên tiếp kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nhà chức trách địa phương sẽ đưa ra chiến lược của họ cho mùa đông, bao gồm có mở rộng các mũi tiêm nhắc lại hay không và những hạn chế nào có thể được áp dụng đối với người chưa được tiêm chủng.

Tổng số người chết vì Covid-19 ở Đức là hơn 96 nghìn người và tổng số ca mắc là hơn 4,7 triệu người.

Tại Anh, các nhà khoa học đã xác định được một gen làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do Covid-19, cung cấp những hiểu biết mới về lý do tại sao một số người dễ mắc bệnh hơn những người khác, đồng thời mở ra khả năng cho các loại thuốc nhắm mục tiêu.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Oxford cho biết khoảng 60% những người có tổ tiên Nam Á mang gen nguy cơ cao. Điều này phần nào giải thích số lượng người chết cao ở một số cộng đồng người Anh và ảnh hưởng của Covid-19 ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, nguy cơ gia tăng không phải do sự khác biệt trong mã hóa di truyền của các protein, mà là do sự khác biệt trong DNA tạo ra một loại “công tắc” để bật một gen.

Tín hiệu di truyền đó có khả năng ảnh hưởng đến các tế bào trong phổi, trong khi một phiên bản có nguy cơ cao hơn của gen được xác định, được gọi là LZTFL1, có thể ngăn cản các tế bào lót đường thở và phổi phản ứng với virus đúng cách.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, gen phiên bản nguy cơ cao hơn không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, nơi tạo ra kháng thể để chống lại ca mắc.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), nhà chức trách y tế địa phương cho biết đã phát hiện ca mắc biến thể Delta Plus hay còn gọi là AY.4.2 đầu tiên. Ca mắc này là một người đàn ông đến Anh hôm 16/10 và trở về Hong Kong.

Giới chuyên gia cho rằng việc phát hiện ca mắc Delta Plus tới không làm ảnh hưởng tới nỗ lực của Hong Kong trong việc thuyết phục chính quyền Bắc Kinh khôi phục việc đi lại qua biên giới mà không yêu cầu cách ly.

Biến thể Delta Plus được phát hiện lần đầu ở Anh và đến nay nước này có số ca mắc chiếm 93% tổng số ca nhiễm Delta Plus trên thế giới. Tuy nhiên, số ca mắc Delta Plus chỉ chiếm 6% số ca mắc ở Anh.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ