Sinh viên và phụ huynh Mỹ ám ảnh nợ nần

GD&TĐ - Vay mượn để học đại học là chuyện phổ biến đối với sinh viên Mỹ. Tuy nhiên, trước thực tế là hàng vạn cử nhân ra trường đang oằn lưng trả nợ hàng tháng, nhiều phụ huynh đã “xắn tay” cùng con lo tìm nguồn học bổng để không mắc vào cảnh nợ nần sau này…

Sinh viên và phụ huynh Mỹ ám ảnh nợ nần

70% cử nhân mắc nợ

Christopher Campbell không muốn 2 cô con gái lâm cảnh nợ nần sau khi tốt nghiệp đại học. Nghề nghiệp là một lính thủy đánh bộ mang lại khoản trợ cấp đặc biệt (GI Bill) giúp Campbell gỡ khó vấn đề này.

Cô con gái đầu Tasia Campbell, tốt nghiệp Trường THPT Havelock tháng 6/2016, có kế hoạch vào học Đại học Cộng đồng Craven 2 năm, sau đó dùng tiền từ GI Bill của bố để vào học một trường ĐH lớn hơn, thu học phí cao hơn.

“Tôi muốn con bé có khởi đầu tốt trong cuộc sống và không phải mang gánh nợ tài chính khổng lồ để rồi cả đời phải lo trả nợ như nhiều thanh niên khác hiện giờ” – ông bố chia sẻ một cách tự hào.

Khi những học sinh tốt nghiệp THPT hồi tháng 6 và bước vào ngưỡng cửa đại học, nhiều người đối mặt với thách thức làm sao trang trải chi phí mà không mắc vào món nợ “tín dụng sinh viên”. Lấy ví dụ, tại ĐH East Carolina, một sinh viên (học đủ chương trình 4 năm) phải đóng hơn 12.000 USD cho học phí và 1 phòng kí túc mỗi năm, đó là chưa bao gồm ăn uống (sẽ ngốn khoảng 4.000 USD) cùng với sách vở, học liệu (tổng cộng hơn 1.000 USD).

Theo Nhà Trắng, gần 70% những người nhận bằng cử nhân rời khỏi trường đại học đều mắc nợ nần không nhiều thì ít. Tổng vay tín dụng sinh viên tại Mỹ lên tới 1,2 nghìn tỉ USD, đặt gánh nặng tài chính lên những người chỉ vừa bước vào con đường tự lập cuộc sống. Với khoảng 4,3 triệu người Mỹ đang mắc nợ tín dụng sinh viên, các ứng cử viên tổng thống cũng đã đề cập tới vấn đề này trong chiến dịch tranh cử 2016.

Mức hoàn trả tín dụng sinh viên trung bình của những người tốt nghiệp đại học trong độ tuổi từ 20 đến 30 là 351 USD/tháng.

Tìm học bổng bằng mọi giá

Để con cái không rơi vào cảnh nợ nần sau khi tốt nghiệp, nhiều phụ huynh sát cánh với con cái tìm nguồn hỗ trợ học phí. Phổ biến nhất là nộp đơn xin FAFSA – một chương trình hỗ trợ học phí của Bộ Giáo dục. FAFSA gồm giảm và thậm chí là miễn học phí đại học, bên cạnh đó cũng cho vay ưu đãi sinh viên. “Chúng tôi đã nộp đơn xin FAFSA và chờ đợi được cấp bao nhiêu tiền, sau đó sẽ tính toán phần thiếu hụt phải bù lấp từ các nguồn vay khác” – một phụ huynh tên Kleinke, có con vừa tốt nghiệp THPT, chia sẻ.

Theo Kleinke thì kết quả học tập quyết định lớn tới số học phí được trợ cấp. Từ mầm non tới THPT, gia đình Kleinke luôn tạo áp lực để con có được điểm số cao – yếu tố quyết định tới mức học bổng và vì thế không phải phụ thuộc vào vay tín dụng mà phải trả sau khi tốt nghiệp.

Để kiếm học bổng, ngoài điểm số cao thì việc tham gia các hoạt động xã hội cũng là một đánh giá quan trọng.

Cũng có gia đình dựa vào chế độ của quân đội cho việc học đại học. Ba con trai của John Gumbel đều vào học đại học sau khi tốt nghiệp THPT và cả 3 đều tham gia trong Tổ chức đào tạo quân nhân hải quân dự bị. Nhưng không phải ai cũng làm điều này bởi sẽ phải cam kết thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp đại học. “Nếu đứa trẻ muốn vào quân ngũ thì không có vấn đề gì, nhưng nếu không thì đó là lựa chọn tồi” – Gumbel chia sẻ.

Học bổng có thể giúp giảm rất nhiều chi phí đại học. Ví dụ, các tú tài tại thị trấn Havelock năm 2016 được nhận tổng cộng 3,8 triệu USD học bổng, với các mức từ 500 USD đến cao nhất là 414.000 USD (của Viện Không lực Hoa Kỳ). Học bổng cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau, như doanh nghiệp, các tổ chức dân sự và của ngay chính các trường ĐH, CĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ