Sinh viên trường y 'thắt lưng buộc bụng' khi học phí tăng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Trường ĐH Y Hà Nội công bố mức tăng học phí từ năm học 2022-2023, không ít sinh viên phải lên kế hoạch giảm chi tiêu tối đa để bù vào chỗ học phí tăng nhằm giúp gia đình giảm áp lực kinh tế.

Nhiều thí sinh xem xét chuyển hướng khi Trường ĐH tăng học phí. Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Nhiều thí sinh xem xét chuyển hướng khi Trường ĐH tăng học phí. Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Sinh viên “thắt lưng buộc bụng” vì tăng học phí

Theo Hồ Phi Khánh – sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội năm cuối chia sẻ: “Cách đây hai năm chúng em cũng đã nghe thông tin về việc tăng học phí, nhưng không nghĩ là lại tăng vào giai đoạn này. Đặc biệt là đây lại là giai đoạn dịch mới qua, mọi khó khăn vẫn còn nhiều”.

Khánh cũng cho biết thêm, nhà trường thông báo hơi gấp, khiến cho nhiêu bạn sinh viên năm nhất đến năm thứ 4 sẽ không kịp trở tay bởi tăng lên hơn 70% đó là con số không hề nhỏ với các bạn mới vào trường. Đặc biệt, con nhà nông dân như em điều kinh tế không phải khá giả khi theo học ngành Y thời gian dài, mức học phí lại cao như vậy sẽ rất khó khăn.

Khánh phân tích thêm: “Giá như thông báo chính thức tăng học phí này được công bố các đây 1 năm đến đầu năm học 2022-2023 này bắt đầu tăng thì sinh viên cũng như gia đình có sự chuẩn bị. Như em là sinh viên năm cuối, một năm còn không quá đáng ngại nhưng đối với các em hiện nay là sinh viên năm nhất đến năm 4 sẽ khó khăn.

Đặc biệt, mức học phí cao như thế này, đối với những học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, kinh tế không khá giả năm nay sẽ phải xem xét có nên đăng ký xét tuyển vào ngành Y không.

Sinh viên ngành Y học rất vất vả, khó có thể đi làm thêm để phụ giúp gia đình về tiền sinh hoạt phí hàng tháng”.

Cũng là sinh viên năm cuối, nữ sinh Ngọc Anh sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Biết việc tăng học phí là điều sớm hay muộn, nhưng bản thân em vẫn mong muốn có thể lùi thời gian”.

Ngọc Anh cho biết: “Đối với những bạn theo học ngành Y gia đình khá giả việc tăng học phí sẽ không đáng ngại. Nhưng đối với những sinh viên như em, bố mẹ là nông dân, kinh tế khá khăn thì là bài toán nan giải.

Năm nay là năm cuối do đó em tập trung toàn bộ thời gian để học, không có thời gian đi làm thêm cho nên việc tăng học phí thực sự rất áp lực”.

Theo đó, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Ngọc Anh lên kế hoạch “thắt lưng buộc bụng, giảm tối đa những khoản chi tiêu, sinh hoạt phí không cần thiết để tiết kiệm, cố gắng học xong năm cuối”.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Thí sinh cân nhắc đăng ký nguyện vọng vào ngành Y

Trước mức tăng học phí cao khiến cho nhiều thí sinh năm nay có ý định đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội đang có phương án xem xét thay đổi lựa chọn. Bùi Thị Huyền Trang (Giao Thủy, Nam Định) chia sẻ: “Em là thí sinh tự do, năm ngoái em đậu vào ĐH Y Hà Nội nhưng ngành điều dưỡng, em đã quyết định bảo lưu kết quả để thi lại một năm. Tuy nhiên mới đây nghe thông báo về mức học phí từ năm học 2022-2023 sẽ tăng em đang cân nhắc có nên đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội hay thay đổi một ngành khác”.

Trang cũng cho biết, mức học phí này đối với gia đình sẽ rất vất vả khi lo cho em theo học, bởi bố mẹ lao động tự do, trong khi đó học Y rất tốn kém, thời gian lại kéo dài do vậy Trang đang nghiên cứu, xem xét một số ngành khác.

Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội năm nay, Ngô Văn Thông (học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Thông khá bất ngờ và lo lắng khi mức học phí tăng cao.

“Gia đình em chỉ có hai mẹ con nên mẹ em sẽ phải nỗ lực làm việc nhiều hơn nữa để có tiền đóng khoản học phí mỗi năm khi em đi học”, Thông nói

Còn theo chị Nguyễn Thị Hà (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh): “Con mong muốn được vào Trường ĐH Y Hà Nội học, những năm qua con đã cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên mấy ngày vừa qua nhìn thấy mức học phí của Trường ĐH Y Hà Nội công bố từ năm học 2022-2023 trở đi cao như vậy khiến cho con và gia đình suy nghĩ việc thay đổi lựa chọn trường khác”.

“Với mức học phí này, gia đình tôi khó có thể đáp ứng được nếu con đỗ vào trường học 6 năm liên tục như vậy. Vợ chồng tôi nông dân, đây là đứa con thứ 2 của gia đình sẽ đi học đại học cho nên mấy hôm nay cả nhà đang cân nhắc việc liệu có khả năng lo cho con không”, chị Hà cho biết thêm.

Theo thông báo của Trường ĐH Y Hà Nội, từ năm học 2022-2023, mức học phí của sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội các ngành Y khoa, Y học Cổ truyền từ 14.300.000/ năm lên 24.500.000/năm tăng 71,33 %;

Ngành Điều dưỡng, Khúc xạ Nhãn khoa, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học từ 14.300.000/năm lên 18.500.000/năm tăng 29,37%;

Riêng ngành điều dưỡng chương trình tiên tiến sẽ tăng 31.460.000/năm lên 37.000.000/năm tăng 17,61%;

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ