Sinh viên trường nghề 'mòn mỏi' chờ tốt nghiệp

GD&TĐ - Dù đã hoàn thành chương trình đào tạo, nhiều sinh viên tại Hải Phòng vẫn “mòn mỏi” mong được tốt nghiệp...

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng trong giờ học. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng trong giờ học. Ảnh: NTCC

Sáu ngành trọng điểm cấp quốc tế đào tạo theo chương trình chuyển giao của Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) được thí điểm ở 3 trường cao đẳng tại Hải Phòng từ năm 2019. Theo lộ trình từ 3 đến 3,5 năm, sinh viên sẽ tốt nghiệp và 100% có việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo. Tuy nhiên, đến nay dù đã hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên vẫn “mòn mỏi” mong được tốt nghiệp.

Mong sớm có bằng tốt nghiệp

Từ năm 2019, 45 trường nghề trên địa bàn cả nước được tuyển sinh, đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức theo Quyết định số 934/QĐ-LĐTBXH ngày 18/7/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Tại TP Hải Phòng có 3 trường cao đẳng được chọn đào tạo 6 nghề. Đó là Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2 với nghề công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy và điện tàu thủy. Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng với 2 nghề: kỹ thuật chế biến món ăn và quản trị khách sạn. Trường Cao đẳng Hàng hải 1 với nghề điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy. Mỗi nghề tuyển sinh 1 lớp, mỗi lớp 16 sinh viên.

Tiêu chuẩn để được xét hoặc thi tuyển vào học nghề đối với các nghề trọng điểm trình độ quốc tế đòi hỏi khá cao. Cụ thể, khi dự tuyển học sinh phải tốt nghiệp THPT trở lên hoặc tương đương (không tuyển học sinh tốt nghiệp THCS); có hạnh kiểm từ khá trở lên; ưu tiên học sinh có học lực khá trở lên trong năm học lớp 12.

Chương trình cũng ưu tiên học sinh có khả năng ngoại ngữ. Bởi sinh viên đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao của Đức, giai đoạn học chuyên ngành sẽ được học ngoại ngữ (tiếng Đức hoặc tiếng Anh). Kết thúc khóa học sinh viên phải đạt được trình độ ngoại ngữ B1 theo khung tham chiếu châu Âu.

Sau thời gian học từ 3 đến 3,5 năm, tùy từng nghề sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra. Khi đạt yêu cầu sẽ được cấp hai bằng: Bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp.

Các trường đào tạo nghề được chuyển giao cũng là những trường được ưu tiên đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025, có đội ngũ giáo viên chuyên môn tốt, kiến thức và kỹ năng nghề sâu rộng. Đồng thời, giáo viên dạy các lớp này được bồi dưỡng đào tạo tại Đức 5 tháng.

Dù đã hoàn thành khóa học đào tạo nghề trọng điểm với nhiều hoài bão ước mơ lập nghiệp, nhưng chưa được thi và cấp bằng tốt nghiệp nên em Bùi Ngọc Thông, lớp điện tàu thủy K13, Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2 cũng như hơn chục sinh viên khác đều phải đi làm trái nghề.

Thông cho hay, chương trình đào tạo mà sinh viên được học rất hay, bài bản và khắt khe. Để hoàn thành khóa học, ngoài học về chuyên môn, sinh viên phải nỗ lực rất lớn để học ngoại ngữ đáp ứng theo yêu cầu. “Chúng em mong được tốt nghiệp, để được đi làm với tấm bằng mình theo học. Nhiều bạn có dự định xin việc trong doanh nghiệp lớn hoặc đi nước ngoài nhưng chưa có bằng”, Thông nói.

Ông Nguyễn Duy Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2 cho biết, đến tháng 4/2023 có 16 học sinh của lớp điện tàu thủy đã kết thúc chương trình đào tạo theo chương trình thí điểm. Nhưng đến nay do vướng mắc từ cấp trên khiến các em chưa được tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng theo lộ trình.

Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng hải 1 trong giờ học theo chương trình chuyển giao từ Đức. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng hải 1 trong giờ học theo chương trình chuyển giao từ Đức. Ảnh: NTCC

Vẫn chờ có hướng dẫn

Điều đáng nói, tháng 4/2021, Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương 2 tiếp tục tuyển 16 sinh viên theo học ngành công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy. Lớp học được triển khai hơn 1 năm, đến tháng 10/2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu tạm dừng chương trình. Hiện nay, nhà trường đang gặp khó khăn trong triển khai tiếp chương trình đào tạo cho sinh viên lớp này.

“Theo kế hoạch, từ ngày 10/10/2022 đến ngày 14/10/2022, tổ chức thi tốt nghiệp giữa kì cho sinh viên lớp công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy. Tuy nhiên chưa thực hiện được vì không có chuyên gia của CHLB Đức.

Nhà trường đã có nhiều văn bản gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị về việc hướng dẫn trong công tác đào tạo, tổ chức thi tốt nghiệp giữa kì, hỗ trợ kinh phí để chi trả tiền vật tư, nguyên liệu đã mua; hoặc hướng dẫn để trường chuyển lớp công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy sang chương trình đào tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn”, đại diện trường này cho hay.

Trong văn bản gửi các trường cao đẳng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không nêu cụ thể lý do dừng chương trình, mà chỉ thông tin “do trong quá trình tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc bất khả kháng nằm ngoài sự kiểm soát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý…”.

Đối với đào tạo các nghề quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn theo chương trình chuyển giao của Đức, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng đã tổ chức đào tạo theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Hiện nay, trường đang chờ tổ chức thi tốt nghiệp theo kế hoạch chung của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hải Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tham gia đào tạo thí điểm cấp độ quốc tế, các giáo viên của trường được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nghề du lịch, về đào tạo. Qua quá trình triển khai đào tạo các chương trình thí điểm này, các thầy cô hiểu rõ và kế thừa những tinh hoa của chương trình đào tạo chuyển giao.

Năm học 2022 - 2023 nhà trường đã xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo phương pháp tích lũy năng lực của từng vị trí việc làm trong nghề; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo để đảm bảo tính cập nhật thực tiễn cũng như tạo môi trường thực tế nghề nghiệp cho sinh viên.

Cùng với 45 trường cao đẳng trên cả nước, năm 2019, Trường Cao đẳng Hàng hải 1 khai giảng 2 lớp cao đẳng chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức là nghề điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy.

Ông Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, dù đã học xong chương trình, nhưng sinh viên của 2 lớp thí điểm nghề vẫn chưa được tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cũng như nhu cầu của sinh viên, nhà trường đã bố trí đủ điều kiện để các em được đi làm. Các em có chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản và nhận thức an ninh để xuống tàu.

Ông Hùng cũng cho rằng, dù học xong chương trình, kiến thức và kĩ năng các em sinh viên rất tốt, nhưng nếu chưa có bằng tốt nghiệp khi đi làm mức lương sẽ không được như những người có bằng cấp. Nhà trường cũng nhận được ý kiến của sinh viên về vấn đề chậm cấp bằng và cũng giải thích, tuyên truyền để các em hiểu.

“Nhà trường mong sớm có hướng dẫn để được xét tốt nghiệp cho sinh viên, đảm bảo quyền lợi cho các em. Đồng thời, cơ quan cấp trên đánh giá lại kết quả thí điểm và tiếp tục nhân rộng mô hình”, ông Hùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ