Sinh viên tốt nghiệp muộn: Đừng quá bi quan

GD&TĐ - Sinh viên tốt nghiệp muộn không còn là chuyện hiếm ở các trường đại học, cao đẳng. 

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Họ phải đối diện với áp lực từ gia đình, bạn bè đồng trang lứa cũng như nỗi lo về kinh tế, định hướng tương lai. Tuy nhiên, tốt nghiệp muộn có phải là trường hợp xấu hay chỉ là thử thách đầu đời?

TS Hoàng Thịnh Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Vấn đề phổ biến

“Khi xem xét số liệu từ các trường đại học và cao đẳng hiện nay, dễ thấy, tình trạng tốt nghiệp muộn khá phổ biến. Ví dụ, nếu một trường có 2.000 sinh viên nhập học mỗi năm, chỉ khoảng 1.000 - 1.200 sinh viên trong số đó tốt nghiệp đúng hạn. Điều này đồng nghĩa khoảng 800 - 1.000 sinh viên chậm tốt nghiệp, lý do chủ yếu đến từ việc nợ chuẩn đầu ra hoặc môn học”. - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc

Sinh viên ra trường muộn là vấn đề phổ biến và có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, chương trình đào tạo quá tải hoặc không linh hoạt. Nhiều trường đại học ở Việt Nam có chương trình học không tối ưu về thời lượng hoặc có quá nhiều môn học không thật sự cần thiết, dẫn đến việc sinh viên mất nhiều thời gian để hoàn thành chương trình.

Các trường đại học cũng có thể không linh hoạt trong việc cho phép sinh viên lựa chọn môn học hoặc lịch học phù hợp, gây khó khăn cho người có nhu cầu hoặc hoàn cảnh cá nhân đặc biệt.

Đây là một nguyên nhân quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến cấu trúc giáo dục và quy trình học tập của người học. Nếu chương trình học không được tổ chức hợp lý, ngay cả sinh viên chăm chỉ cũng khó có thể ra trường đúng hạn.

Thứ hai, sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp. Nhiều em chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp hoặc chọn ngành học không phù hợp, dẫn đến chán nản hoặc không có động lực để học tập. Một số sinh viên sau khi vào học một thời gian mới nhận ra ngành học không phù hợp và quyết định chuyển ngành hoặc học thêm để bổ sung kiến thức, kéo dài thời gian ra trường.

Thứ ba là yếu tố tài chính. Một số người học đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải làm thêm để trang trải cuộc sống, điều này ảnh hưởng đến thời gian và sức lực dành cho việc học. Việc vừa học vừa làm có thể dẫn đến không hoàn thành môn học đúng hạn, hoặc phải nghỉ học tạm thời để đi làm. Yếu tố tài chính là nguyên nhân khá phổ biến, đặc biệt đối với sinh viên các trường công lập hoặc ở khu vực nông thôn. Điều này ảnh hưởng đến thời gian ra trường và chất lượng học tập.

Thứ tư, thiếu kỹ năng quản lý thời gian và học tập. Nhiều em không có kỹ năng quản lý thời gian, không biết cách sắp xếp lịch học và làm việc hợp lý, dẫn đến học tập không hiệu quả. Điều này có thể làm họ bị trì trệ, không đủ điều kiện ra trường đúng thời hạn. Dù quan trọng, nhưng đây là nguyên nhân thuộc về yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn từ nhà trường và gia đình, sinh viên khó có thể tự giải quyết vấn đề này.

sinh vien tot nghiep muon (5).jpg
TS Hoàng Thịnh Nhân.

Thứ năm, các vấn đề sức khỏe và tâm lý. Áp lực học tập, stress và sức khỏe tâm lý có thể làm sinh viên mất đi sự tập trung, động lực trong học tập. Một số trường hợp phải nghỉ học để chữa trị hoặc phục hồi sức khỏe. Nguyên nhân này thường không phổ biến bằng những yếu tố khác, nhưng lại có tác động mạnh đến cá nhân sinh viên và cần được chú ý đặc biệt.

Thứ sáu, một số sinh viên tham gia quá nhiều vào các hoạt động ngoại khóa, dự án hoặc làm việc xã hội, dẫn đến phân bổ thời gian không hợp lý và ảnh hưởng đến học tập. Mặc dù, các hoạt động này mang lại nhiều kinh nghiệm thực tế, nhưng nếu không quản lý tốt có thể kéo dài thời gian hoàn thành chương trình học.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Đối mặt thay vì tuyệt vọng

Tôi biết có một trường hợp sinh viên của trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã quyên sinh sau khi đến thời hạn mà không tốt nghiệp được. Tốt nghiệp muộn không hiếm ở trường đại học, cao đẳng hiện nay. Vậy nên nếu bạn rơi vào trường hợp này, cần bình tĩnh, ngồi lại kiểm tra xem vì sao mình lại tốt nghiệp muộn, tìm cách giải quyết thay vì cảm thấy tuyệt vọng.

Nếu thiếu chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học, các em hãy lập kế hoạch để hoàn thành chúng trong thời gian quy định. Đặt ra mục tiêu rõ ràng và theo dõi tiến độ. Trong trường hợp xấu nhất, nếu bạn không thể tốt nghiệp đúng hạn, hãy cân nhắc chuyển sang hệ vừa học vừa làm. Nhiều sinh viên đã vượt qua khó khăn bằng cách này và vẫn có thể tiếp tục học lên cao hơn.

sinh vien tot nghiep muon (6).jpg
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Để tránh tình trạng tốt nghiệp muộn, bạn cần quản lý bản thân ngay từ năm nhất. Việc đầu tiên của quản trị bản thân là quản trị thời gian. Các bạn phải xây dựng được thời gian biểu, thời khóa biểu và tập tính kỷ luật để hoàn thành các đề mục trong ngày phải làm. Quản lý thời gian mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng sẽ giúp cho bạn quản lý được mình mỗi năm. Làm tốt từ năm 1 - 3, đến năm cuối, bạn chắc chắn sẽ không bao giờ thấy mình dang dở.

Việc thứ hai của quản trị bản thân chính là quản trị tài chính. 18 tuổi, bạn cần biết mình tiêu tiền cho việc gì, việc gì nên, không nên. Đừng đua đòi theo bạn bè, đừng vì sĩ diện mà vung tiền đầu tháng, cuối tháng lại vay mượn. Cũng hãy nhớ đừng bao giờ ngã vào tệ nạn xã hội. Đó là cái kết tệ với thanh xuân mỗi người.

Việc thứ ba của quản trị bản thân là quản trị các mối quan hệ. Ở bậc đại học, người học ít tiếp xúc với giảng viên so với thời phổ thông nên cần tạo cho mình mối quan hệ với bạn bè, các anh chị khóa trên… nếu được, hãy tìm cho mình một “mentor” (người hướng dẫn) để định hướng đường đi cho bạn.

Nhà báo, Luật sư Lê Bân - Giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Vào đời muộn nhưng chắc

Hơn 15 năm giảng dạy ở Khoa Báo chí và Truyền thông, năm nào, lớp nào, từ hệ đào tạo chính quy, đến văn bằng 2, vừa học vừa làm cũng có không ít bạn phải trì hoãn việc xét tốt nghiệp vì thiếu điểm, không qua môn.

Trước khi làm báo, tôi từng là thầy giáo tốt nghiệp từ trường đại học sư phạm, vậy nên việc học hành thì phải có thi cử. Thi thì có người đậu, kẻ rớt, đó là điều hết sức bình thường. Quan điểm là vậy nhưng với trái tim của người thầy giáo, ai chẳng vui khi có học trò làm bài được điểm 10, đỗ thứ hạng cao. Ngược lại, ai mà lòng chẳng se thắt với những trò thi rớt, nhất là với những bạn có hoàn cảnh éo le.

sinh vien tot nghiep muon (7).jpg
Nhà báo, Luật sư Lê Bân.

Đối với tôi, giờ lên lớp đứng trước sinh viên, luôn đầy cảm hứng, không biết mệt, nhưng đêm về ngồi chấm bài lại áp lực trước những bài thể hiện chưa nắm được kiến thức cơ bản.

Khi hạ bút ghi điểm 1, 2, hoặc 3, lương tâm tôi luôn giằng xé giữa thân phận, hoàn cảnh, áp lực mà các em phải gánh chịu, với trách nhiệm xã hội của người thầy giáo. Thổ lộ điều này, tôi muốn nói rằng dù thấu hiểu, chia sẻ với các em còn nợ môn nhưng bản thân cũng tự hài lòng với chính mình vì đã làm đúng chức năng người thầy.

Hiện, ngày càng nhiều sinh viên ra trường muộn. Nguyên nhân có nhiều, không ai giống ai. Sinh viên lên lớp không đều nên theo dõi bài không có tính hệ thống, phần lớn các bạn còn nợ môn thường vắng mặt nhiều, đặc biệt các bạn năm 3, năm 4 vắng với lý do đi làm thêm.

Phương pháp học của sinh viên còn thụ động, nhiều bạn ngại tham gia thảo luận, không chịu khó đọc thêm tài liệu tham khảo. Nói, viết rập khuôn, sáo rỗng theo lối văn mẫu. Hoặc có đọc mà không chịu suy nghĩ, hiểu đại khái, chung chung, mà cũng không dám hỏi.

Một nguyên nhân khách quan khác là sĩ số lớp học quá đông, trên dưới 100 người nên tính tương tác kém, khó tập trung theo dõi... Thực tế cho thấy, không riêng gì môn của tôi, ở bộ môn của thầy cô khác, các em cũng tỏ ra đuối trong việc học. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tốt nghiệp cho một số bạn, gây áp lực căng thẳng cho cả thầy và trò.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh: Tốt nghiệp muộn không có nghĩa kém cỏi

Mỗi người có con đường riêng, không phải ai cũng có thể tốt nghiệp đúng hạn vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như sức khỏe, điều kiện gia đình, hoặc khó khăn trong học tập. Việc chấp nhận tốt nghiệp muộn không phản ánh giá trị bản thân sinh viên. Các bạn nên tự tin vào khả năng, tập trung vào những gì đã đạt được thay vì so sánh mình với người khác.

sinh vien tot nghiep muon (8).jpg
ThS Phạm Thái Sơn.

Hãy nhớ rằng, tốt nghiệp muộn không có nghĩa bạn kém cỏi hơn so với bạn bè. Tương lai sẽ quyết định những người có tâm huyết với nghề nghiệp. Các bạn trẻ nên chủ động giải thích tình huống của mình và trò chuyện thẳng thắn với gia đình về lý do khiến bản thân tốt nghiệp muộn cũng như những nỗ lực đang thực hiện để vượt qua khó khăn. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực từ gia đình, vì ba mẹ sẽ hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của bạn.

Hãy cùng gia đình thảo luận về kế hoạch tương lai, từ việc hoàn thành chương trình học đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Khi gia đình thấy bạn có một kế hoạch rõ ràng, họ có thể ủng hộ hơn và bớt lo lắng.

Sinh viên nên xác định mục tiêu dài hạn và dành thời gian để suy nghĩ về những gì mình thực sự muốn làm sau khi tốt nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn định hình rõ ràng công việc trong lĩnh vực đam mê, tiếp tục học lên cao hơn, hoặc thậm chí khởi nghiệp. Khi đã xác định được mục tiêu lớn, hãy chia nhỏ nó thành các bước cụ thể và khả thi. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy đạt được mục tiêu là hoàn toàn trong tầm tay và giảm bớt áp lực về tương lai.

Cuối cùng, hãy giao lưu và kết nối với những người có hoàn cảnh tương tự. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và nhận được sự ủng hộ tinh thần. Nếu bạn cảm thấy áp lực quá lớn, đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý, họ có thể giúp bạn giải quyết những lo lắng và tìm cách để vượt qua. Tốt nghiệp đại học muộn có thể khiến sinh viên cảm thấy chán nản và mất hứng thú với việc học, nhưng đây lại là lợi thế lớn cho những người kiên định, có ý chí.

“Với sinh viên ra trường muộn, các bạn hãy chịu khó ghi danh đi học lại và học cho ra học, điều đó rất có lợi. Bạn vào đời tuy muộn đôi chút nhưng với kiến thức vững, sẽ rất tự tin. Tự tin là chìa khóa để thành công. Thực tế, nhiều bạn đi học lại, kết quả có điểm thi rất cao, đã không ngớt lời: Cảm ơn thầy!”. - Nhà báo, Luật sư Lê Bân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ