Sinh viên tình nguyện tham gia SEA Games 31: Cơ hội cọ xát và phát triển

GD&TĐ - SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12 - 23/5 tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong Chương trình bàn giao tình nguyện viên tham gia phục vụ SEA Games 31. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong Chương trình bàn giao tình nguyện viên tham gia phục vụ SEA Games 31. Ảnh: TG

Sự kiện này cần khoảng 3.000 tình nguyện viên, trong đó có 2.000 tình nguyện viên tại Hà Nội và 1.000 tình nguyện viên ở các tỉnh, thành phố lân cận. Hiện, sinh viên các trường đại học đã sẵn sàng lên đường cho ngày hội lớn.

Háo hức chờ ngày lên đường

Được tuyển chọn từ hàng nghìn hồ sơ, Nguyễn Đức Anh – sinh viên K29, ngành Quản trị khách sạn, Khoa Du lịch (Trường ĐH Mở Hà Nội) chính thức trở thành tình nguyện viên cho SEA Games 31. Đức Anh chia sẻ: Đây là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay bản thân tham gia làm tình nguyện viên, vì thế em rất phấn khích và hào hứng. Đức Anh tự tin có thể làm tốt công việc hỗ trợ giao tiếp, điều phối các hoạt động trong chương trình.

“Em mong muốn được tham gia vào hoạt động đón tiếp, hướng dẫn vận động viên đến các vị trí thi đấu. Đây sẽ là cơ hội để em được trò chuyện, giao tiếp với các vận động viên. Chắc chắn, đó sẽ là trải nghiệm thú vị” – Đức Anh bày tỏ, đồng thời chủ động bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và một số kỹ năng mềm.

ThS Lương Tuấn Long – Trưởng phòng Công tác Chính trị và Sinh viên, Trưởng Đoàn công tác sinh viên tình nguyện SEA Games 31, Trường ĐH Mở Hà Nội - cho biết: Từ hàng nghìn hồ sơ, đơn tình nguyện, nhà trường chọn được 360 sinh viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào hoạt động tình nguyện cho SEA Games 31. “Một trong những tiêu chí để chúng tôi lựa chọn là, sinh viên phải thành thạo kỹ năng tiếng Anh và từng tham gia tình nguyện ở các sự kiện lớn. Hy vọng, các em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong những ngày diễn ra SEA Games 31” –ThS Lương Tuấn Long tin tưởng.

Tham gia tình nguyện, sinh viên sẽ được rèn luyện tinh thần xung kích vì cộng đồng. Đây là tiêu chí quan trọng của thanh niên thời đại mới. Bên cạnh đó, các em được rèn luyện kỹ năng mềm. Những kỹ năng này sẽ bổ trợ cho các em rất nhiều khi tham gia ứng tuyển tại doanh nghiệp và phục vụ đắc lực trong công việc sau này. “Để bảo đảm kết quả học tập cho sinh viên, nhà trường sẽ sắp xếp, bố trí lịch học, thi linh hoạt, phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong quá trình tham gia tình nguyện phục vụ SEA Games 31” - ThS Lương Tuấn Long trao đổi.

Theo kế hoạch, Thành đoàn Hà Nội tuyển từ 2.500 - 3.000 tình nguyện viên làm việc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á; trong đó có sinh viên của Trường ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Hà Nội. Những tình nguyện viên này phải có sức khỏe tốt, đã tiêm tối thiểu 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, năng động, có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của Ban Tổ chức Đại hội và điều kiện không thể thiếu là các em phải có đơn đăng ký làm tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31.

Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) tập huấn tham gia tình nguyện SEA Games 31. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) tập huấn tham gia tình nguyện SEA Games 31. Ảnh: NTCC

Trải nghiệm cùng SEA Games 31

Với sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á lần này, tỉnh Phú Thọ vinh dự là địa phương đăng cai nội dung thi đấu môn bóng đá nam tại sân vận động TP Việt Trì. Theo đó, Trường ĐH Hùng Vương đã tuyển chọn 40 đoàn viên thanh niên tham gia đội tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31 (chủ yếu là sinh viên, trong đó có 25 tình nguyện viên chính thức và 15 tình nguyện viên dự bị).

TS Hoàng Công Kiên - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Tham gia đội tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31, các sinh viên của Trường ĐH Hùng Vương được tuyển chọn đều có khả năng giao tiếp thông thạo tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác của các nước trong khu vực Ðông Nam Á, có sức khỏe và ngoại hình tốt, đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm cao…

Theo TS Hoàng Công Kiên, toàn bộ các tình nguyện viên được tập huấn, trang bị thông tin cơ bản về SEA Games 31; đào tạo kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn các nội dung đưa đón đại biểu, cán bộ các đoàn, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, phóng viên báo chí các nước. Ngoài ra, các em cũng được tập huấn những kỹ năng để làm lễ tân khánh tiết, phiên dịch; làm nhiệm vụ hậu cần, phục vụ tại sân thi đấu, nơi các đoàn ăn nghỉ; hỗ trợ các đoàn và vận động viên tại cơ sở y tế, sân bay, khách sạn, tham quan, du lịch…

300 sinh viên Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đăng ký tình nguyện  tham gia hỗ trợ SEA Games 31. Để trang bị kiến thức, kỹ năng cho tình nguyện viên, Trường ĐH Hạ Long đã phối hợp với Tiểu ban Lễ tân khánh tiết SEA Games 31 tập huấn cho sinh viên về quy định của Đại hội và văn hóa các nước tham gia Đại hội. Tại SEA Games 31, sinh viên sẽ hỗ trợ đoàn vận động viên các nước theo suốt lịch trình khi ở Quảng Ninh. Tháp tùng quan chức cấp cao, ban trọng tài trong các cuộc họp, trận thi đấu. Tại các địa điểm thi đấu, sinh viên hỗ trợ việc chỉ dẫn, truyền thông tin, dẫn chương trình, hỗ trợ các buổi lễ trao thưởng…

Theo thầy Vũ Văn Viện – Trưởng khoa Du Lịch, Trường ĐH Hạ Long, thông qua hoạt động tình nguyện này, nhà trường mong muốn hỗ trợ Đại hội thành công tốt đẹp, góp phần giới thiệu hình ảnh địa phương đến bạn bè, du khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để sinh viên của trường được học hỏi, nâng cao kỹ năng mềm trong môi trường đa văn hóa, đồng thời giúp các em rèn khả năng làm việc nhóm và cách xử lý các tình huống trong thực tế.

Ông Nguyễn Hải Đường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Phó trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban Lễ tân – Khánh tiết SEA Games 31 – cho biết: Có khoảng 13 trường đại học trên cả nước cử sinh viên tham gia tình nguyện cho sự kiện này. Mong rằng, các tình nguyện viên sẽ phát huy vai trò của mình, hoàn thành tốt sứ mệnh là những sứ giả của nước chủ nhà đăng cai SEA Games 31, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần vào thành công chung của Đại hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.