Sinh viên sáng chế lẩu tự sôi trong 10 phút

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM đã sáng tạo thành công sản phẩm ăn liền lẩu chay tự sôi.

Sinh viên sáng chế lẩu tự sôi trong 10 phút

Chỉ trong 10 phút, đổ nước vào hộp là người dùng đã có ngay một “nồi lẩu mini” tự sôi.

Ăn lẩu không cần điện hay nước sôi

“Dự án Nghiên cứu quy trình sản xuất lẩu sôi tự động KONJAC chay” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM vừa đạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023.

Nguyễn Đăng Quang Trường, sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, lẩu tự sôi là xu hướng phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Trên thị trường, sản phẩm cơm, lẩu tự sôi chủ yếu được nhập khẩu với giá thành không rẻ và chưa phù hợp với khẩu vị người Việt Nam. Nhóm lựa chọn làm lẩu tự sôi chay, phù hợp với người ăn kiêng, có khẩu vị phù hợp với người Việt Nam và có giá thành chỉ bằng 50% sản phẩm tương tự trên thị trường.

Nguyên liệu của lẩu tự sôi gồm bún konjac được chế biến từ củ nưa (konjac) không có chất béo, giàu chất xơ và ít calo. Các nguyên liệu khác gồm có nấm đùi gà, củ sen, nấm kim châm, ngô Mỹ và đậu hũ non, kim chi cùng gói gia vị cô đặc.

Nguyên liệu được sơ chế và tiệt trùng, đóng gói. Chỉ trong vòng 10 phút, với các thao tác đơn giản như bỏ gói hóa chất vào bên dưới khay, đổ nước và đặt khay đồ ăn lên trên, người dùng đã có một nồi lẩu chay tiện dụng.

“Củ nưa là một loại cây thuộc họ ráy, mọc nhiều ở vùng núi tại nước ta và nhiều quốc gia châu Á. Bột khoai nưa là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món sợi (mì, bún), thạch nưa. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất từ bột khoai nưa là mì shirataki của Nhật Bản.

Bột nưa có thể thay thế tinh bột trong chế độ ăn giảm cân, ăn kiêng keto. Mì, bún nưa có kết cấu mềm dẻo, không có vị nên rất dễ nêm nếm. Bạn có thể chế biến bún, mì nưa thành các món mì nước, mì xào hoặc thêm vào món salad trong thực đơn giảm cân. Đây là những lý do nhóm chọn bún củ nưa làm nguyên liệu chính cho sản phẩm lẩu tự sôi”, Quang Trường chia sẻ.

Để làm ra gói hóa chất giúp nước tự sôi, nhóm sinh viên mày mò nghiên cứu bằng các công thức hóa học đơn giản. Một gói tự sôi được ép kín bên trong có hỗn hợp magie, sắt và muối.

Khi tiếp xúc với nước thì magie sẽ tham gia phản ứng oxi hóa kim loại và tạo ra nhiệt tăng cao cũng như phản ứng xảy ra mạnh hơn nhờ có thêm thành phần sắt và muối. Để an toàn cho người sử dụng, nhóm dùng hộp đựng lẩu là loại nhựa dẻo chịu nhiệt được gia công để ở nhiệt độ cao vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Sản phẩm lẩu tự sôi của nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM.

Sản phẩm lẩu tự sôi của nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM.

Giải pháp ăn liền tiện dụng

ThS Trần Đức Duy, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, sản phẩm lẩu tự sôi này có ưu điểm là nguyên liệu là bún từ củ nưa.

Sản phẩm bún này ít sinh năng lượng, phù hợp với người ăn chay. Sản phẩm có thể tự làm nóng mà không cần dùng điện, nhiệt hay nấu nước là điểm đặc biệt của sản phẩm.

Phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt vốn không phải là một cách làm mới trong cuộc sống vì chúng cũng từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Tuy nhiên, việc làm nóng này cần đảm bảo nguyên tắc các gói hóa chất được đóng gói kỹ càng để không có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sử dụng. Cũng như dụng cụ có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao.

“Sản phẩm của nhóm sinh viên có nhiều tiềm năng ứng dụng trên thực tế, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm ăn liền, tiết kiệm thời gian cho người dùng trong nhịp sống hiện đại hối hả”, ThS Trần Đức Duy cho hay.

Cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” - lần IV năm 2023 do Trường Đại học Công Thương TPHCM phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Cuộc thi được phát động từ ngày 26/4/2023 đã thu hút 93 dự án đăng ký dự thi với hơn 500 sinh viên và giảng viên hướng dẫn đội thi tham gia.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các dự án tại vòng chung kết có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng về hình thức và nội dung, sản phẩm được trưng bày chỉnh chu, sáng tạo. Ban Giám khảo kỳ vọng, thông qua cuộc thi sẽ tìm kiếm được các nhà đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy các dự án khởi nghiệp có thêm nhiều cơ hội thương mại hóa để giải quyết các nhu cầu của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ