"Điều còn lại" là một kịch bản kịch tâm lý xã hội nổi bật của tác giả Nguyễn Đăng Chương, được dàn dựng bởi đạo diễn - giảng viên Huỳnh Quang, cùng tập thể sinh viên lớp Diễn viên Kịch - Điện ảnh K28A, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM.
Vở diễn xoáy sâu vào những bi kịch tinh thần hậu chiến, khi người lính trở về không chỉ mang theo ký ức chiến trận mà còn đối diện với những mất mát sâu kín trong gia đình - nơi người vợ đã sa ngã trong một phút yếu lòng.
Bằng ngôn ngữ kịch nói giàu nội tâm, tác phẩm đặt ra những câu hỏi lớn về tha thứ, đạo đức và sự chịu đựng trong đời sống con người.

Dàn diễn viên trẻ đảm nhận các vai chính bao gồm: Lê Nguyễn Thùy Trang (vai bà Muộn), Huỳnh Văn Đồng (vai Bân), Lê Chí Nguyện (vai Bường), Nguyễn Trần Nhật Long (vai Cường), Nguyễn Thị Ngọc Châu (vai Thuyến), Nguyễn Hoàng Trọng (vai Được), Phạm Lê Vũ (vai Dư), Tạ Thế Khương (vai ông Năm), Lại Thị Thu Hằng (vai Duyên)… đều là những sinh viên vừa tốt nghiệp.
Dù còn non trẻ về tuổi nghề, nhưng các bạn sinh viên đã thể hiện khả năng cảm thụ tâm lý nhân vật rất tốt, làm sống dậy những nỗi đau, giằng xé và cả ánh sáng nhân văn le lói trong từng số phận trên sân khấu.
Giảng đường không chỉ dạy nghề, mà còn nuôi dưỡng lòng yêu nghề
Chọn một kịch bản khó, đề tài nặng về tâm lý, lại đậm đặc bối cảnh xã hội Bắc Bộ sau chiến tranh để làm bài thi tốt nghiệp cho sinh viên là một quyết định đầy bản lĩnh của đạo diễn trẻ Huỳnh Quang.
Song, qua bàn tay dàn dựng chắc nghề, tinh tế, giảng viên Huỳnh Quang đã mở ra cho sinh viên không chỉ một thử thách, mà là một cơ hội bước vào chiều sâu nghệ thuật thực sự.
Sinh viên Lê Nguyễn Thùy Trang, người vào vai bà Muộn, xúc động chia sẻ, được làm việc với thầy Quang là một may mắn lớn trong đời sinh viên. Ngoài kiến thức và kỷ luật sân khấu, thầy còn truyền cho các sinh viên tham gia vở diễn lòng biết ơn, tình yêu nghề và sự tử tế khi đứng trên sân khấu.
“Mỗi lần tập, thầy đều quan tâm từng ánh mắt, từng tiếng thở của từng vai diễn. Nhờ đó mà vai diễn của em không còn là ‘đóng vai’, mà là sống cùng nhân vật”, Thùy Trang nói.

Với Huỳnh Văn Đồng, vai Bân - người lính trở về mang nỗi đau không lời, sự đồng hành của thầy Quang là động lực lớn nhất:
“Thầy Quang luôn lắng nghe học trò, không áp đặt mà hướng dẫn bằng cả trái tim. Có những lúc mệt mỏi, căng thẳng, chính sự động viên của thầy là lý do khiến em không bỏ cuộc. Em nghĩ, những bài học lớn nhất từ thầy không chỉ nằm trong giờ học, mà là cách thầy sống, cách thầy tin tưởng và dạy em tin vào chính mình”, Đồng nói.
Một vở diễn của lòng biết ơn và khát vọng nghệ thuật
“Điều còn lại” đã được chọn là vở diễn tốt nghiệp của lớp K28A, nhưng ý nghĩa của nó không dừng ở phạm vi trường lớp. Vừa qua, vở kịch được tái dựng trên sân khấu nhà hát chuyên nghiệp - như một lời tri ân đặc biệt dành cho gia đình, bạn bè, thầy cô và những người đã đồng hành trong suốt 3 năm học.
Đêm diễn miễn phí, dành cho những khán giả thân thương. Toàn bộ kinh phí đều do sinh viên tự đóng góp với khát khao duy nhất: “Được cháy hết mình vì nghệ thuật”.

Tiếng vỗ tay không dứt, những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má khán giả – tất cả hòa quyện vào một không khí nghệ thuật đích thực: Không có khoảng cách giữa người diễn và người xem, chỉ còn lại sự chân thành.
Khán phòng như tan vào từng nhịp thở của cảm xúc, để rồi chính những nghệ sĩ trẻ - lần đầu bước lên sân khấu chuyên nghiệp - cũng rưng rưng khi rời vai diễn. Đó là cái đọng lại của một vở kịch không chỉ là bài tốt nghiệp, mà là một ký ức nghề nghiệp đầu đời thật đẹp.

“Điều còn lại” - không chỉ là tên một vở kịch. Đó cũng là điều còn lại thật đẹp trong lòng mỗi khán giả, mỗi diễn viên trẻ, và đặc biệt là những người thầy - người gieo hạt cho hành trình nghệ thuật dài lâu.
Ở nơi giảng đường nghệ thuật, người thầy không chỉ truyền đạt kỹ năng, mà còn lặng lẽ chở che, dìu dắt học trò đi qua những giây phút vỡ vụn lẫn thăng hoa. Khi tình thầy trò trở thành sự đồng hành, khi lớp học trở thành mái nhà mà mỗi thành viên đều được yêu thương và thấu hiểu.
Và “điều còn lại” đã thoát ra khỏi sân khấu học vụ để mang dáng vóc của một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đó cũng chính là tinh thần mà thầy Huỳnh Quang cùng lớp K28A đã gieo trồng và gặt hái, những sinh viên ra trường không chỉ mang theo hành trang kiến thức, mà còn mang theo lòng biết ơn, sự tử tế, và một tình yêu nghề đủ lớn để đi xa, đi bền, đi sâu và tỏa sáng rực rỡ với nghệ thuật.
"Nghệ thuật, không chỉ là thứ ánh sáng ngoài sân khấu, mà còn là ánh sáng trong tâm hồn. 'Điều còn lại' chính là tình thương, là nhân cách sống, là sự tận hiến - những giá trị mà người thầy để lại, và người học trò mang theo suốt cuộc đời làm nghề", thầy Huỳnh Quang chia sẻ.