Sân khấu vẫn 'nợ' Hà Nội hôm nay?

GD&TĐ - Sự thiếu vắng kịch bản mới nói chung, nhất là kịch bản về đề tài Hà Nội của hôm nay nói riêng đã xảy ra trong thời gian dài.

Một cảnh trong vở cải lương 'Cánh cửa khép hờ' (Nhà hát Cải lương Việt Nam). Ảnh: Bình Thanh.
Một cảnh trong vở cải lương 'Cánh cửa khép hờ' (Nhà hát Cải lương Việt Nam). Ảnh: Bình Thanh.

Luôn đồng hành và phát triển cùng với những chặng đường lịch sử hào hùng của Thủ đô, nhìn lại 70 năm qua, sân khấu Hà Nội gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên ở chặng đường mới, trước những nhu cầu mới, dường như đội ngũ sáng tạo hôm nay đang “nợ” đất và người kinh kỳ những đứa con tinh thần kể về Hà Nội hôm nay?

Từ những niềm vui…

Nếu phải đến năm nay TP Hồ Chí Minh mới có liên hoan sân khấu của riêng mình thì Hà Nội đã tiên phong “đi trước” từ 10 năm trước với tên gọi Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ Nhất, được tổ chức dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô.

Đó là, những ngày tháng 10/ 2014, khán giả yêu mến sân khấu lần đầu được í ới rủ nhau tới các rạp hát từ Công nhân đến Đại Nam, Kim Mã, số 1 Tràng Tiền hay 11 Ngô Thì Nhậm… để thưởng thức các vở diễn về Hà Nội.

Dù là lần đầu “ra mắt” nhưng liên hoan đã chinh phục được trái tim người hâm mộ, đem đến cho mọi người không ít rung động trong từng câu chuyện về đất và người Hà Nội của hôm qua và hôm xưa: Một Hà Nội khói lửa cùng tinh thần chiến đấu quả cảm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong “Cánh chim trắng trong đêm” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Những người con Hà Nội” (Nhà hát Kịch Hà Nội) và cả những người Hà Nội chiến đấu phản gián lặng thầm hy sinh trong “Bản danh sách điệp viên” (Đoàn kịch Công an nhân dân).

Một Hà Nội có những người thầy danh tiếng như Tế tửu Quốc Tử Giám Chu Văn An trong “Đạo học”(Nhà hát Kịch Việt Nam) hay những thủ lĩnh văn võ song toàn xông trận tiền như đô đốc Bùi Thị Xuân trong vở tuồng cùng tên do Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn.

Một Hà Nội còn đó những rỉ rót, nhức nhối bởi vết thương chiến tranh chưa lành trong “Hà Nội gió mùa” (Nhà hát Cải lương Hà Nội); những xót xa, cay đắng khi bước vào vòng xoáy kim – tiền trong “Đường đua trong bóng tối” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) hay “Nhà có ba chị em gái” (Nhà hát Tuổi trẻ).

Nối tiếp đó là 5 kỳ liên hoan được tổ chức đều đặn 2 năm một lần với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ không chỉ đến từ các đơn vị nghệ thuật, trường học đóng trên địa bàn Hà Nội mà cả các đơn vị khác trong nước, kể cả từ phương Nam xa xôi cũng góp mặt như Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Sân khấu Sen Việt, Công ty THHH tổ chức biểu diễn Song Việt... Chẳng thế mà đến kỳ thứ 6, liên hoan được đổi tên là: Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 cho phù hợp.

Mỗi dịp này, các đơn vị đều đem đến cho khán giả những phút giây thưởng thức nghệ thuật khá phong phú, đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật như: Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, trong đó kịch nói thường chiếm phần lớn.

Đề tài được khai thác cũng khá phong phú, từ chiến tranh cách mạng đến đời sống tâm lý xã hội của thời hậu chiến và kinh tế thị trường; từ huyền tích dân gian đến tái hiện chân dung nhân vật lịch sử…

Trong đó nổi bật là những tác phẩm như: “Dâu bể một kiếp tằm”, “Khát vọng”, “Quẫn”, “Mùa hoa sữa”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Đen trắng vòng đời”, “Bạch đàn liễu”, “Người tốt nhà số 5”, “Tình sử Thăng Long”, “Mưa đỏ”, “Trung trinh liệt nữ”, “Vương quyền”…

Cùng với đó là những tấm huy chương được trao cho vở diễn, nghệ sĩ để ghi nhận những đóng góp tâm huyết cho sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung. Từ đây dễ dàng nhận thấy Hà Nội luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các thế hệ văn nghệ sĩ từ đó họ cùng sáng tạo và làm nên những tác phẩm đặc sắc cống hiến cho khán giả và cũng là để tôn vinh đất và người kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Tại liên hoan lần thứ 6, theo ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu những câu chuyện lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, đề cao tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện đa màu sắc. Các vở diễn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng Thủ đô nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng, liên hoan này nhằm tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô, đồng thời, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình.

san-khau-van-no-ha-noi-hom-nay-1.jpg
Một cảnh trong vở kịch 'Người tốt nhà số 5' (Nhà hát Kịch Việt Nam). Ảnh: Bình Thanh.

…đến bao trăn trở

Dẫu mừng vui là vậy nhưng với những người yêu sân khấu ở Thủ đô vẫn không khỏi hụt hẫng khi tiếp tục bắt gặp một số kịch bản cũ được dựng lại ở liên hoan lần thứ 6. Chẳng hạn như vở diễn khai mạc “Khoảng trống” của Nhà hát Kịch Hà Nội được dàn dựng từ kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Anh Biên.

Cách đây gần 30 năm, kịch bản này đã được nhà hát này công diễn và tạo dấu ấn trong lòng công chúng. Hay như nhiều thế hệ khán giả đã rất quen thuộc với vở “Ông không phải là bố tôi” được tác giả Lưu Quang Vũ viết cách đây gần 40 năm và nhiều nhà hát dàn dựng thì dịp này cũng xuất hiện tại liên hoan với phiên bản của Nhà hát Tuổi trẻ.

Hoặc vở “Lý Thường Kiệt” của tác giả Hoàng Yến; “Thiếu phụ Nam Xương” của tác giả Doãn Hoàng Giang viết mấy chục năm trước, mới đây lần lượt được Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng… Có thể nói, những kịch bản hay, mang thông điệp của thời đại vẫn cần thiết được tiếp tục dàn dựng. Song, không thể cứ ỉ vào đó, “ăn mày” vốn của cha ông mà quên đi việc sáng tác mới bổ sung vào kho tàng đó.

san-khau-van-no-ha-noi-hom-nay-3.jpg
Một cảnh trong vở tuồng 'Thiếu phụ Nam Xương' (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ảnh: Bình Thanh.

Thực ra, sự thiếu vắng kịch bản mới nói chung, nhất là kịch bản về đề tài Hà Nội của hôm nay nói riêng đã xảy ra trong thời gian dài. Nhìn lại, trong 6 kỳ liên hoan có nhiều vở được dàn dựng lại từ kịch bản cũ được viết từ mấy mươi năm trước như: “Người tốt nhà số 5” và “Lời nói dối cuối cùng” (Lưu Quang Vũ viết năm 1984 và 1985); “Đợi đến mùa xuân” (Xuân Trình, 1986); “Mùa hoa sữa” (Nguyễn Anh Biên viết những năm 1990), “Thiếu phụ Nam Xương” (Doãn Hoàng Giang viết những năm 1990)…

Thậm chí có cả những tác phẩm cách nay hơn nửa thế kỷ như: “Quẫn” (Lộng Chương, 1960); “Bạch đàn liễu” và “Ngôi nhà trong thành phố” (Xuân Trình, 1973); “Bản danh sách điệp viên” (Văn Báu, 1970) và một số kịch bản được dàn dựng 2 lần như: “Lời nói dối cuối cùng”, “Cánh chim trắng trong đêm”…

Vì thế, số vở được dàn dựng từ kịch bản mới được viết trong thập kỷ 20 của thế kỷ này có khi chưa thể đếm hết đầu ngón tay. Và trong số đó không phải kịch bản nào cũng hay, thú vị, mới mẻ khi cách phát triển tình huống kịch quá buồn tẻ, cũ kỹ cùng lời thoại nhạt chưa sắc sảo, đằm sâu.

Có vở mạnh dạn khai thác đề tài hiện đại rất mới – trí tuệ nhân tạo AI như “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), đề cập đến sự tác động của công nghệ tới đời sống như thế nào, con người cần đón nhận ra sao. Tuy nhiên, vở diễn chưa thực sự được thuyết phục khi tình huống kịch có phần khiên cưỡng và thông điệp chưa đắt giá.

Thực tế này vẫn là niềm đau đáu của bao người. Như lúc sinh thời, NSND Hoàng Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ban Giám khảo, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV từng trăn trở rằng liên hoan vẫn thiếu vắng kịch bản mới, hay; thiếu bóng dáng những vở diễn phản ánh cuộc sống đương đại một cách chân thực và sâu sắc...

Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức cũng thường xuyên nhắc đến vấn đề này. Thế nhưng, dường như bài toán khó đó vẫn chưa thể tìm được lời giải để rồi mỗi hội diễn, liên hoan lại nghe các đơn vị ca thán rằng không có kịch bản hay để chọn và giờ thật khó tìm được biên kịch giỏi vì không có cơ sở đào tạo.

Chẳng là, hơn chục năm trước Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội có Khoa Biên kịch song vì không tuyển sinh được nên phải đóng cửa.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua của sân khấu nước nhà nói chung và sân khấu Hà Nội nói riêng thì lại thấy trước đó có rất nhiều kịch bản được nhiều tác giả viết từ đời sống đương đại và thành công.

Điển hình như đề tài công nhân vốn khó và khô là thế mà vẫn có những vở kịch đặc sắc như: “Hà Mi của tôi” (tác giả Doãn Hoàng Giang), “Tôi và chúng ta” (tác giả Lưu Quang Vũ); thậm chí cũng đủ sức làm say lòng người khi được khai thác ở kịch hát dân tộc như các vở chèo: “Sợi tơ vàng” (tác giả Việt Dung), “Những cô thợ dệt” (tác giả: Trần Huyền Trân - Việt Dung - Xuân Bình - Cao Kim Ðiển)…

san-khau-van-no-ha-noi-hom-nay-4.jpg
Một cảnh trong vở kịch 'Ông không phải là bố tôi' (Nhà hát Tuổi trẻ). Ảnh: Bình Thanh.

Không chỉ vậy, đề tài ngợi ca thắng lợi của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của đất nước cũng được khắc họa ấn tượng. Như vở “Khi thành phố lên đèn” của tác giả Trang Phượng do Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) trình diễn lấy đề tài ngày Giải phóng Thủ đô rất xúc động, sâu sắc.

Vở cải lương dàn dựng từ những năm 1980 đó không hề bị rơi vào hô khẩu hiệu cứng nhắc, sáo mòn như một số vở diễn cũng khai thác đề tài này tham gia các kỳ liên hoan sân khấu Thủ đô gần đây.

Cũng bởi, tác giả đã khéo léo lồng vào đó câu chuyện rất thời sự: Sự đấu tranh quyết liệt trong tư tưởng và tình cảm riêng ở chính người chiến sĩ Điện Biên khi về tiếp quản Thủ đô. Qua đó thấy được giá trị hòa bình của dân tộc được làm nên từ biết bao hy sinh thầm lặng của mỗi người con đất Việt…

Nhìn lại để cùng trả lời câu hỏi: Giữa những thiếu thốn trăm bề vậy nhưng thế hệ trước vẫn viết nên những tác phẩm để đời, tiếp tục được thế hệ sau khai thác vì tính thời sự còn nguyên.

Còn hôm nay thì sao, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô đã đi qua và Hà Nội cùng cả nước đã bước sang chặng đường mới song mỗi kỳ hội diễn đến khán giả vẫn chỉ có thể tấm tắc với những kịch bản về câu chuyện của mấy mươi năm trước.

Nếu có một số kịch bản mới thì vẫn “cảm thấy thiếu vắng một Hà Nội rất Hà Nội, như ca khúc Trịnh, như Hà Nội của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…” (trăn trở của ông Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan lần 6).

Phải chăng sân khấu vẫn những tác phẩm sân khấu đặc sắc, xứng tầm về Hà Nội hôm nay?

Những năm 70 – 80 của thế kỷ trước trong điều kiện cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề nên không phải ai cũng được đào tạo bài bản để trở thành biên kịch. Vậy nhưng, vẫn có nhiều cây bút đắm say với sân khấu, lăn xả vào cuộc sống và có những quan sát, tìm tòi tinh tế để viết thành kịch bản hay và được dàn dựng, làm nên những tác phẩm phản ánh trực diện đời sống cùng những phản biện sắc sảo và không quên dự báo thời cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ