Với mức chi phí tăng hơn 1.000% trong một thập kỷ qua cho 4 năm đại học, tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ năm 2012 đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, chỉ đứng sau khoản nợ thế chấp.
Hiện nay trên toàn nước Mỹ có khoảng 37 triệu người vẫn đang phải trả các khoản nợ từ thời sinh viên. Khoảng 43% người Mỹ dưới tuổi 25 vẫn còn vướng vào các khoản nợ này, với mức trung bình 20.326 USD. Lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD/năm.
Thế hệ sinh viên Mỹ ra trường năm 2010 có mức nợ cao nhất, trung bình 25.250 USD/người.
Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25 - 30% và không ít sinh viên ra trường đến tuổi 60 vẫn chưa trả hết gánh nợ thời sinh viên.
Trong một bước đi phản ánh rõ chủ trương nếu Quốc hội không hợp tác, Nhà Trắng sẽ sử dụng quyền hành pháp để thúc đẩy các chính sách đối nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày 9/6 sẽ công bố sắc lệnh hành chính giảm nhẹ gánh nặng học phí và nợ nần cho sinh viên.
Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết chương trình “trả nợ tương đương với mức thu nhập” trong sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Obama công bố trong ngày 9/6 và sẽ được đưa vào thực hiện từ năm 2015.
Chương trình này quy định những sinh viên vay tiền trang trải học đường khi ra trường chỉ phải trả nợ không quá 10% thu nhập hàng tháng so với 15% như hiện nay.
Chương trình này trước mắt sẽ chỉ áp dụng đối với những sinh viên bắt đầu vay tiền sau tháng 10/2007 và tiếp tục vay cho đến sau tháng 10/2011. Chương trình dự báo sẽ có lợi cho khoảng 5 triệu người khi mở rộng cho những người vay tiền trước thời hạn trên có thể tham gia.
Trước đó, hôm 7/6, trong bài diễn văn hàng tuần đọc trên đài phát thanh, ông chủ Nhà Trắng nói rằng những sinh viên tốt nghiệp đại học nên được hỗ trợ để có thể thương lượng các điều kiện trả nợ cho những khoản tiền họ đã vay mượn trong thời gian theo học nhằm giúp họ giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Tổng thống Obama cho biết sắp tới Nhà Trắng sẽ đệ trình và hy vọng Quốc hội sẽ thông qua dự luật để giúp đỡ sinh viên giải quyết vấn đề nợ bằng cách bịt những kẽ hở về thuế hiện mang lại nhiều lợi ích cho thiểu số những người giàu có, nhất là các tỷ phú.
Tuy nhiên, việc cải cách chế độ tín dụng cho sinh viên trong nhiều năm qua tiếp tục gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát dự kiến trong tuần tới sẽ bắt đầu thảo luận về vấn đề này.