Nguyên liệu từ 3 giống lúa quý
“Nui gạo ăn liền Prebiotic” là dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên: Lê Hà Phương - lớp 11DHTP8, Trần Thị Mỹ Anh - lớp 11DHTP2, Võ Thị Trúc Mai - lớp 13DHTPTD (Khoa Công nghệ thực phẩm) và Nguyễn Thị Minh Nhàn - lớp 11DHNH8, Dương Minh Khôi - lớp 11DHNH8 (Khoa Tài chính kế toán) cùng thực hiện, dưới sự hướng dẫn của ban cố vấn gồm ThS Võ Thị Thúy Hằng và ThS Nguyễn Hoàng Anh - giảng viên Trường Đại học Công Thương TPHCM.
Trần Thị Mỹ Anh cho biết, xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống hiện đại, khi mọi người ngày càng bận rộn, ít có đủ thời gian để chuẩn bị một bữa ăn hoàn chỉnh, đầy đủ dinh dưỡng và có xu hướng lựa chọn thức ăn nhanh đã gây nên những tác động xấu cho sức khỏe. Điều đó khiến nhóm có suy nghĩ mong muốn cải thiện chất lượng bữa ăn của mọi người.
Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển, với sản lượng lúa gạo dồi dào. Để tận dụng ưu thế đó, nâng cao giá trị hạt gạo và giúp cho bà con nông dân trồng lúa có thể cải thiện thu nhập, dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” được thành lập.
Nhóm lựa chọn nguyên liệu là từ 3 giống lúa quý, giàu dưỡng chất hiện nay là IR504, huyết rồng, gạo cẩm. Nui gạo ăn liền Prebiotic là một sản phẩm thực phẩm tiện dụng, an toàn nhờ đổi mới trong quy trình công nghệ làm tăng hàm lượng tinh bột bền trong sản phẩm lớn hơn 4,52% phù hợp với hàm lượng khuyến nghị của FDA.
Ngoài ra, sản phẩm còn có sắc tố Anthocyanin 3,27 mg là các hợp chất tự nhiên chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Với những ưu điểm chất lượng và giá trị như trên với giá bán lẻ dự kiến là 32.000 đồng/sản phẩm, phù hợp với mức bình quân chi tiêu cho một khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Sản phẩm nui gạo ăn liền Prebiotic được nghiên cứu và phát triển dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng với lối sống hiện đại. Khách hàng mục tiêu được nhóm xác định là những người bận rộn, làm việc văn phòng, ít có thời gian cho việc nấu nướng.
“Sản phẩm này đáp ứng các tiêu chí: Nhanh, gọn, tiện dụng. Cụ thể, đối với nui súp, nui sốt và nui snack, người tiêu dùng chỉ cần hâm nóng sản phẩm trong vi sóng từ 1 – 2 phút là có thể sử dụng được liền. Bên cạnh đó, nhóm cũng chú trọng về mặt chất lượng của sản phẩm, nhằm đảm bảo với mỗi khẩu phần, sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng”, Mỹ Anh nói.
Tốt cho người tiểu đường, béo phì
ThS Nguyễn Hoàng Anh nhận xét, điểm đặc biệt của dự án đến từ việc nui gạo ăn liền Prebiotic là những sản phẩm có chứa tinh bột bền trên 4,52% phù hợp với hàm lượng khuyến nghị, giúp hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát cân nặng và chỉ số đường huyết cho người tiêu dùng.
Giống gạo huyết rồng và gạo cẩm được sử dụng để tạo ra sản phẩm là những giống gạo có chứa anthocyanin với hàm lượng 3,37mg/100g, có tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Trần Thị Mỹ Anh chia sẻ, khi thực hiện dự án này, khó khăn lớn nhất mà chúng em cũng gặp phải liên quan đến phần cấu trúc sản phẩm. Do thời gian đầu, cấu trúc sản phẩm không đạt được yêu cầu đặt ra, nên nhóm đã mất khá nhiều thời gian tìm cách khắc phục. Chúng em phải họp bàn, đọc rất nhiều tài liệu, tham khảo ý kiến của giảng viên cố vấn… thực sự đó là khoảng thời gian không hề dễ dàng.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Anh, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những người cần tuân thủ chế độ ăn uống khắt khe vì lý do bệnh tật.
Do đó, ý tưởng khai thác tối đa hàm lượng tinh bột kháng cùng các hợp chất tự nhiên như flavonoids, anthocyanins... có trong các giống gạo quý khiến dự án có tiềm năng triển khai lớn.
Nhóm sinh viên cho biết, sau khi đưa sản phẩm ra thị trường ở dạng tiếp thị, lấy ý kiến đánh giá, sản phẩm sẽ được điều chỉnh và sản xuất hàng loạt, đi vào phân phối trong thị trường từ 2024 – 2025. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm khác chứa tinh bột bền nhằm tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe được làm từ nguyên liệu lúa gạo bản địa, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo.
Dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” đã giành giải Nhì lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2024.