Sinh viên gieo mầm yêu thương ngày Tết Giáp Thìn

GD&TĐ - Tết không chỉ là dịp đoàn viên, sum vầy cùng gia đình, nhiều sinh viên lựa chọn những ngày này cho hoạt động cộng đồng, sẻ chia với người khó khăn.

Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing tham gia chiến dịch "Xuân tình nguyện" gói bánh chưng. Ảnh: UFM
Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing tham gia chiến dịch "Xuân tình nguyện" gói bánh chưng. Ảnh: UFM

Gói bánh chưng gửi tặng chú bảo vệ, cô lao công

Từ ngày 27/1-1/2, gần 500 chiếc bánh chưng do sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) gói đã được gửi trao đến cô chú bảo vệ, lao công và sinh viên khó khăn của trường.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - UFM cho biết gói bánh chưng là hoạt động xuyên suốt chiến dịch "Xuân tình nguyện" của trường.

"Các bạn sinh viên đã có 3 ngày, gói gần 500 chiếc bánh ở ký túc xá cơ sở Tăng Nhơn Phú (TP Thủ Đức), Ban Chỉ huy quân sự quận Tân Bình và phường Cầu Ông Lãnh (quận 1). Trong đó hoạt động gói bánh chưng tại chương trình Xa nhà vui tết ở ký túc xá của trường có hơn 30 sinh viên tham gia", ThS Phụng chia sẻ.

Theo cô Phụng, chương trình mong muốn gửi tặng đến các cô chú, sinh viên không có điều kiện về quê đón Tết niềm vui nhỏ, ấm áp trong những ngày xuân.

Những chiếc bánh chưng được gửi tặng đến các cô, chú công nhân vệ sinh môi trường. Ảnh: UFM

Những chiếc bánh chưng được gửi tặng đến các cô, chú công nhân vệ sinh môi trường. Ảnh: UFM

Cao Tuấn Kiệt, sinh viên UFM hào hứng kể, đây là lần đầu tiên được gói bánh chưng bởi nam sinh quê ở miền Nam, mọi người thường gói bánh tét. Kiệt gói bánh ở 2 nơi, cùng các anh dân quân, bộ đội, công an.

"Trường đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu, chúng tôi gói vào buổi sáng, tầm tối bánh chín. Chúng tôi gửi các anh chiến sĩ, các cô lao công, chú bảo vệ ở trường. Khi đi ngoài đường, thấy các cô chú làm việc ban đêm thì chúng tôi cũng gửi tặng. Cảm giác lần này lạ hơn vì trước đây, chúng tôi hay nấu cháo gửi tặng, nhưng lần này là bánh chưng nên cảm giác nôn nao chờ Tết hơn. Rất vui khi mang đến không khí Tết với các cô chú", Kiệt kể.

Các chú bảo vệ của trường nhận chiếc bánh chưng từ sinh viên. Ảnh: UFM

Các chú bảo vệ của trường nhận chiếc bánh chưng từ sinh viên. Ảnh: UFM

Ông Nguyễn Hữu Quý (nhân viên bảo vệ Trường Đại học Tài chính - Marketing) xúc động khi nhận được chiếc bánh chưng từ tay các chiến sĩ "Xuân tình nguyện" UFM.

"Tôi đã làm bảo vệ ở trường được 20 năm rồi. Nhận được chiếc bánh như là một món quà xuân ý nghĩa. Các bạn nấu bánh rất ngon, tôi và các anh cùng làm ở trường rất thích", ông Quý chia sẻ.

Ở lại TPHCM đón Tết bởi muốn làm thêm, phụ giúp gia đình, Hoàng Phúc (sinh viên (sinh viên ngành Marketing, Trường Đại học Tài chính - Marketing) chia sẻ: "Khi nhận phần quà của trường, tôi thấy đỡ nhớ quê khi cũng có những bạn bè ở lại như mình".

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, những ngày cuối năm là dịp để các sinh viên xa quê trở về nhà sum họp cùng gia đình, đón chào một năm mới. Từ tuần trước, không khí Tết đã trở nên rộn ràng hơn khi sinh viên hối hả về với gia đình trên các chuyến tàu, xe.

"Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn và nhiều lý do khác nhau không thể về quê mà phải nán lại thành phố. Thông qua chương trình, với những phần quà nhỏ, nhà trường mong muốn giúp các em ấm áp hơn với những ngày Tết ở nơi xa", ThS Phụng cho biết.

"Xuân tình nguyện" đến với muôn nẻo

Ngày 7/2, chiến dịch "Xuân tình nguyện" lần thứ 16 của sinh viên TPHCM khép lại sau một tháng diễn ra sôi nổi.

Chiến dịch gồm 4 chương trình trọng điểm: Xuân bản sắc, Xuân sẻ chia, Xuân chiến sĩ, Tết văn minh; 2 ngày cao điểm nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” trong học sinh, sinh viên và sẻ chia, chăm lo cho những người hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Các chiến sĩ tại lễ ra quân chiến dịch "Xuân tình nguyện" 2024 của TPHCM. Ảnh: Thành Đoàn TPHCM

Các chiến sĩ tại lễ ra quân chiến dịch "Xuân tình nguyện" 2024 của TPHCM. Ảnh: Thành Đoàn TPHCM

Chiến dịch năm nay đề ra hệ thống 8 chỉ tiêu với nhiều nội dung, phần việc ý nghĩa như: Thực hiện ít nhất 50 góc xuân “Góc xuân tuổi trẻ” tại các ký túc xá, khu lưu trú công nhân, chung cư, điểm sinh hoạt dân cư tại khu phố, ấp, các trạm, chốt biên phòng trên sông; tuyên truyền văn hóa Tết Việt đến thanh thiếu nhi và người dân thành phố; tổ chức ít nhất 15 “Hành trình 9/1” đến với các địa chỉ đỏ, không gian truyền thống gắn với phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM;...

Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường TPHCM tặng quà Tết cho người dân ở vùng khó khăn trong chiến dịch "Xuân tình nguyện" 2024. Ảnh: Nguyễn Thanh Ngân

Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường TPHCM tặng quà Tết cho người dân ở vùng khó khăn trong chiến dịch "Xuân tình nguyện" 2024. Ảnh: Nguyễn Thanh Ngân

Ngoài ra, các chiến sĩ Xuân tình nguyện còn tổ chức thăm, tặng quà cho 15 ký túc xá sinh viên, 51 khu lưu trú văn hóa, khu nhà trọ thanh niên công nhân; hỗ trợ khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 3.000 người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà Tết cho 2.000 bệnh nhi, bệnh nhân nghèo điều trị tại các bệnh viện; trao tặng 10.000 bánh chưng, bánh tét...

Vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 chiến dịch "Xuân tình nguyện" và lễ hội quân, tổng kết chiến dịch "Xuân tình nguyện" năm 2024.

Theo đó, chương trình "Xuân tình nguyện" năm 2024 của nhà trường có hơn 1.300 chiến sĩ thuộc 29 đội hình đóng quân tại 13 mặt trận tỉnh, thành phố. Tất cả đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn. Hơn 1.000 đòn bánh chưng, bánh tét tự tay các chiến sĩ "Xuân tình nguyện" đã được trao đến người dân. Các chiến sĩ còn hoàn thành nhiều công trình, hoạt động có ý nghĩa tại địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.