Hình ảnh những danh lam thắng cảnh hay những địa điểm lịch sử, du lịch, văn hóa… đã được những sinh viên kiến trúc ký họa, sau đó dùng công nghệ số để lưu trữ, quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trên thế giới.
Sự kết hợp hoàn hảo
Được thành lập từ năm 2017, thành viên là những sinh viên yêu thích hội họa và có kiến thức về lịch sử, văn hóa. Trải qua 6 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Sketcher DAU đã tập hợp được các sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng có chung niềm đam mê rong ruổi, tìm hiểu và vẽ ký họa các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… tại các tỉnh, thành miền Trung. Từ những bức ký họa này, nhóm sinh viên đã áp dụng công nghệ để số lưu giữ những “địa chỉ đỏ”, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Những bức tranh ký họa, sau khi được số hóa đã góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa của đất nước, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ khi ra đời cho đến nay, mô hình “Số hóa địa chỉ đỏ bằng tranh ký họa” đã nhận được sự quan tâm của giới trẻ và đông đảo người dân.
Là một trong những sinh viên đầu tiên thành lập CLB, Lê Hồng Thiện, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, CLB ra đời với mong muốn kết nối các bạn sinh viên, những người có chung đam mê hội họa, kiến trúc để cùng nhau hướng đến mục tiêu bảo tồn những hình ảnh các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước, từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa lâu bền đến với cộng đồng thế giới.
“Sau giờ học, chúng em thường ngồi lại với nhau để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng chuyên môn. Dù mỗi người có một cách vẽ, cách tư duy mảng miếng, hình khối khác nhau nhưng chúng em có chung một mục đích cuối cùng đó là lưu lại những nét đẹp của các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch… và đưa những điểm di tích lịch sử này đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là du khách quốc tế để từ đó họ biết rõ hơn về lịch sử, con người đất nước Việt Nam”, Hồng Thiện cho hay.
Còn Đỗ Văn Châu Anh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, mỗi bức ký họa nếu vẽ đơn giản thì mất 30 phút, còn khó hơn thì khoảng 1 tiếng đồng hồ.
“Thông qua những hoạt động của CLB em đã đi được khá nhiều các tỉnh, thành và có cơ hội tìm hiểu về các điểm di tích lịch sử, văn hóa… Chúng em cùng nhau vẽ lại những hình ảnh này bằng tất cả cảm xúc của mình với mong muốn lan tỏa những thông điệp ý nghĩa của con người đất Việt đến với bạn bè năm châu”, sinh viên Châu Anh nhấn mạnh.
Không chỉ là nơi thỏa mãn niềm đam mê ký họa, CLB còn là nơi dìu dắt hướng dẫn, chia sẻ các kỹ năng cho những sinh viên mới tập vẽ ký họa. Hiện CLB có khoảng 50 thành viên, sinh hoạt vào thứ 2 và Chủ nhật hàng tuần.
Những bức ký họa của sinh viên. |
Góc nhìn mới về di tích
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Quân, giảng viên Khoa Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cố vấn CLB Sketchers DAU nhận xét, những bức ký họa sau khi số hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng tranh ảnh.
“Điều đặc biệt ở tranh ký họa sau khi được số hóa là sẽ giúp chúng ta dễ lưu trữ và chia sẻ lên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo… từ đó tranh ký họa sẽ được mọi người biết nhiều hơn và có thể xuất hiện trên khắp thế giới.
Người dân, du khách quốc tế sẽ tìm hiểu được các địa chỉ đỏ của Đà Nẵng cũng như các điểm di tích lịch sử trên khắp cả nước thông qua các nguồn như: Facebook, Behance, YouTube… Đồng thời, số hóa tranh ký họa sẽ lan tỏa được yếu tố văn hóa, lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hóa con người Việt Nam”, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Quân khẳng định.
Sinh viên tham gia vẽ ký họa tại chân cầu Thuận Phước (TP Đà Nẵng). |
Tỉ mỉ và say mê vẽ những bức ký họa. |
CLB tổ chức đi thực tế sáng tác tại chân cầu Trần Thị Lý (TP Đà Nẵng). |
Sau khi hoàn thành, các bức ký họa sẽ được số hóa để lưu trữ và quảng bá. |
Những bức ký họa của sinh viên tham gia triển lãm 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo'. |
ThS Ngô Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho hay, tranh ký họa mang đến cho người xem một góc nhìn mới mẻ về di tích lịch sử, những điểm du lịch nổi tiếng.
Theo ThS Ngô Tuấn Anh, việc xây dựng những kho ký họa số hóa sẽ giúp các địa phương, các đơn vị có thêm nguồn dữ liệu và nội dung độc đáo để sử dụng vào những mục đích quảng bá, tuyên truyền.
“Thời gian qua, ngoài TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, CLB còn mở thêm nhiều trại sáng tác ở các nơi có danh thắng, di tích lễ hội đặc sắc như: Huyện đảo Lý Sơn, Mỹ Sơn, Hội An… để các bạn sinh viên có thêm tầm nhìn, được trải nghiệm, sáng tác thêm nhiều tác phẩm góp phần quảng bá, giới thiệu đến du khách những điểm đến lý tưởng.
Mô hình số hóa địa chỉ đỏ bằng tranh ký họa đã được Hội Sinh viên TP Đà Nẵng đánh giá cao bởi đã hội tụ đủ tiêu chí gồm: Tính mới, sáng tạo; tính hiệu quả, tính lan tỏa và tính điển hình.
Với hiệu quả mang lại, mô hình được triển lãm tại sự kiện “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Hội Sinh viên TP Đà Nẵng cũng chấm điểm và lựa chọn trao “Giải thưởng 9/1” ở hạng mục “Sáng tạo, khởi nghiệp”, đây là một trong ba mô hình đặc sắc của thành phố được tôn vinh năm 2023.
Kết quả trên là minh chứng cho những nỗ lực và sáng tạo của sinh viên Việt Nam trong việc góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, ThS Ngô Tuấn Anh cho biết thêm.