Giáo sư Lê Võ Phương Mai: Sinh viên Việt Nam thông minh và luôn nỗ lực

GD&TĐ -GS Lê Võ Phương Mai chia sẻ cùng Báo GD&TĐ về những ấn tượng với sinh viên Việt Nam.

Du học sinh Việt Nam tại Anh.
Du học sinh Việt Nam tại Anh.

Giáo sư Lê Võ Phương Mai từng làm rạng danh cộng đồng người Việt tại xứ sở sương mù khi trở thành tiến sĩ trẻ - chủ nhân phần học bổng 200 nghìn bảng Anh khi mới bước qua tuổi 26.

Nhân chuyến trở về Việt Nam, chị đã chia sẻ cùng Báo GD&TĐ về những ấn tượng với sinh viên Việt Nam; những kỳ vọng về giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nồi cá kho cũng trở thành kỉ niệm!

GS Lê Võ Phương Mai có rất nhiều kỉ niệm khi giảng dạy sinh viên Việt Nam du học ở Anh.

GS Lê Võ Phương Mai có rất nhiều kỉ niệm khi giảng dạy sinh viên Việt Nam du học ở Anh.

- Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu, Giáo sư có nhận xét gì về sinh viên Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài?

- Tôi đã có cơ hội giảng dạy và giao tiếp với một số sinh viên Việt Nam sang Anh học thạc sĩ ở một số trường đại học. Các em rất cố gắng và hiếu học. Ban đầu, kiến thức chuyên môn và cả tiếng Anh có thể chưa vững lắm, nhưng các em luôn có ý thức khắc phục tốt để tiếp thu các kiến thức.

Thế nên, hầu hết các em đều đạt kết quả khả quan và sự cố gắng đã giúp các em tìm được các vị trí làm tốt khi trở về Việt Nam. Một số em đã thành công trong cơ quan Nhà nước, nhà băng nước ngoài và viện nghiên cứu ở Việt Nam…

Tôi thấy các bạn sinh viên Việt rất năng động và có động lực. Các bạn cũng có kiến thức ngoại ngữ và chuyên môn tốt. Tôi mong các bạn tự tin vào chính mình để hòa nhập và có cơ hội mở để tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới trên nền tảng kiến thức của mình để theo đuổi các ước mơ và dự định của mình.

- Chị có những ấn tượng, kỉ niệm đặc biệt nào với du học sinh Việt Nam khi tiếp xúc hoặc giảng dạy?

- Kỉ niệm thì cũng khá nhiều và với rất nhiều sinh viên. Đặc biệt là ấn tượng một em học sinh từ Đà Nẵng là tôi nhớ nhất. Ban đầu, tiếng Anh của em ấy chưa phải là tốt lắm, nhưng lại chịu khó học và rất tốt bụng.

Em đã cố gắng giúp các bạn khác yếu hơn ở lớp hiểu bài bằng cách sẵn sàng giảng lại. Đây cũng chính là việc giúp em luyện thêm tiếng Anh và kiến thức chuyên môn mỗi ngày.

Ở nước ngoài, tôi cũng được nghe những câu chuyện về nỗi nhớ ẩm thực Việt. Những thứ kể như rất sẵn ở Việt Nam hay dễ tìm ở những thành phố lớn ở Anh có thể là rất xa xỉ với chúng tôi khi ở các thành phố nhỏ.

Vì vậy, chỉ một nồi cá kho là có thể đem lại sự háo hức và vui vẻ khó tả cho một nhóm sinh viên xa nhà. Điều này cũng rất thú vị với không chỉ riêng các em, mà còn cả với cá nhân tôi.

- Trước đó, chị từng chia sẻ mong muốn được góp phần tham gia thay đổi nền kinh tế thế giới. Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này cũng như những kế hoạch để thực hiện mong muốn đó?

- Hướng nghiên cứu của tôi là dùng các mô hình toán kinh tế và dữ liệu để giải thích và hiểu được các lý do đằng sau các chu kì kinh tế. Từ đó rút ra các bài học cho chính sách tiền tệ và tài chính để giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tôi và đồng nghiệp đã có nhiều bài áp dụng cho kinh tế Mỹ và hướng dẫn nghiên cứu sinh áp dụng cho kinh tế Anh, Trung Quốc và Nhật. Tất nhiên sẽ có rất nhiều nghiên cứu khác tương tự.

Nhưng khác với họ, chúng tôi dùng một phương pháp toán lượng chắc chắn để ước tính và đánh giá mô hình của mình để có thể tin tưởng vào các chính sách mà chúng tôi khuyến cáo.

Nhiều kết luận nghiên cứu của chúng tôi có ảnh hưởng đến cuộc tranh luận về Brexit và chính sách kinh tế sau Brexit. Kết quả về chính sách tiền tệ và tài chính của chúng tôi đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, bà Truss, dùng làm cơ sở trong tranh luận ứng cử chức Thủ tướng.

Hiện giờ, chúng tôi đang nghiên cứu về ảnh hưởng khác nhau của chính sách tiền tệ trong môi trường lãi suất bằng 0 đến năng suất của các công ty kích cỡ khác nhau ở Mỹ. Điều này để hiểu rõ hơn về thị trường khi có nhiều công ty lớn để xem xét lợi và hại thế nào.

Chúng tôi còn nghiên cứu lý do kinh tế Nhật phát triển chậm như vậy và chính sách tài chính, tiền tệ và cấu trúc kinh tế có cần phải làm gì để phát triển kinh tế và bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Chúng tôi cũng đang hoàn thành nghiên cứu về tương tác giữa các tỉnh ở Trung Quốc và nguồn vốn cho vay không chính thống. Cùng với đó là ảnh hưởng của chính sách giảm vốn cho vay qua hình thức không chính thống đến phát triển của các tỉnh khác nhau như thế vào.

Tôi mong có thể áp dụng kinh nghiệm và kiến thức của mình để xây dựng mô hình toán kinh tế để trợ giúp nghiên cứu về kinh tế và chính sách ở Việt Nam. Hiện tại, tôi đang sắp xếp xin đề án để có hỗ trợ về quỹ thời gian cho công việc này. Để phát triển thì tôi cũng mong muốn có sự hợp tác với các khoa kinh tế của các trường đại học và các tổ chức tư vấn, cố vấn về kinh tế ở Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tạo cảm hứng cho từng môn học

Sinh ở Hà Nội, năm 12 tuổi, Phương Mai theo bố mẹ sang Nga sống ở thành phố Saint Petersburg. Chị luôn đứng đầu lớp ở tất cả các cấp học tại thành phố này. Tốt nghiệp trung học, Mai sang Anh học dự bị đại học ở Trường Bellerbys, thành phố Brighton. Với khả năng vốn có và lòng say mê học tập, Phương Mai tiếp tục thể hiện là một sinh viên xuất sắc với bảng kết quả cao nhất khóa.

Sau khi hoàn thành chương trình, Phương Mai chọn Khoa Kinh tế Đại học Cardiff. Ba năm liền ở Cardiff, Phương Mai luôn đứng đầu khóa. Tốt nghiệp đại học năm 2003, chị trở thành sinh viên đầu tiên của Trường Cardiff được đặc cách học ngay bậc tiến sĩ mà không cần phải học qua bậc thạc sĩ.

Năm 2007, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, Phương Mai nhận được một suất học bổng trị giá 200 nghìn bảng Anh cho đề tài nghiên cứu sau tiến sĩ về các mô hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Học bổng này rất uy tín, do Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế Xã hội tại Vương quốc Anh cấp.

Chị được phong hàm Giáo sư tháng 8/2021 tại Trường Đại học Cardiff khi tròn 40 tuổi. Trước khi quay lại Cardiff năm 2014, chị đã làm giảng viên ở Trường Tổng hợp Sheffield và Swansea.

- Là Giáo sư Việt Nam ở nước ngoài, chị có kỳ vọng gì về nền giáo dục cũng như việc phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai?

- Tôi thấy giáo dục Việt Nam phổ cập rất tốt. Cá nhân tôi đã học một phần phổ thông tại Việt Nam. Với kiến thức cơ bản đó, tôi đã có thể tiếp thu kiến thức của giáo dục Nga va tiếp theo là giáo dục Anh.

Tôi nhận thấy, giáo dục nước ngoài ít đòi hỏi học sinh phải đi học thêm nâng cao các bộ môn mà trong trường học đã dạy. Họ dùng thời gian này để học các kỹ năng mềm và thể thao để các cháu tìm hiểu các đam mê khác của mình và nâng cao thể chất.

Họ khuyến khích tạo điều kiện và thời gian để học sinh khám phá chính mình và học cái mình thích. Việc này giúp học sinh phát triển độc lập trong suy nghĩ, tự tin lựa chọn tương lai cho mình, và sáng tạo. Đây là nhưng yếu tố cần thiết để giúp con người thành công trong tương lai. Nếu chúng ta có thể học hỏi và áp dụng sẽ giúp những bạn trẻ hoàn thiện hơn.

Nhưng ngoài thể chế giáo dục, nước ngoài hay trong nước, để học sinh phát triển tốt, đội ngũ giáo viên giỏi, đam mê với nghề và tạo cảm hứng của từng môn học là cần thiết.

Về kinh tế, kể cả trước và sau Covid-19, sự ổn định vĩ mô và cơ hội thị trường, Việt Nam đã có cơ hội thu hút các nhà đầu tư. Chính sách tài chính và tiền tệ vẫn tiếp tục giúp đỡ kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch.

Tất nhiên ảnh hưởng của gián đoạn cung cấp trên toàn cầu làm ảnh hưởng xấu đến mức lạm phát. Nhưng nó vẫn ở trong mức quản lý được của chính sách tiền tệ. Khi nào cơn sốt cung cấp trên giảm thì sẽ có ít áp lực lên lạm phát. Đây là những kết quả rất tốt trước mắt.

Ngoài ra, để kích thích phát triển kinh tế lâu dài thì chúng ta cần phải đẩy mạnh chính sách cơ cấu bằng hiện đại hóa chuyển sang dùng kỹ thuật số. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các công ty vừa và nhỏ hoạt động để nâng cao năng suất sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới.

Đi đôi với việc này thì chính sách tài chính cần đầu tư có hiệu quả vào các hạng mục chuyên mục xã hội, phát triển và bảo vệ môi trường để phát triển nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Sau khủng hoảng tài chính 2008, tôi có nghe phát biểu của Giám đốc Ngân hàng nhà nước Singapore, nói về cơ hội phát triển đất nước họ từ biến cố đó, và họ đã làm điều đó rất tốt. Tôi mong sau đại dịch chúng ta cũng sẽ có nhiều chính sách đúng đắn để tiếp tục giúp kinh tế phát triển tốt và tốt hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ