Sinh viên chống kẹt xe

GD&TĐ - Nhận thấy tình trạng xe buýt đón trả khách gây ùn tắc giao thông, nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM đã đưa ra giải pháp xây dựng trạm đón xe buýt ngay trên dải phân cách của đường kết hợp với cầu bộ hành nhằm giảm kẹt xe, bảo đảm an toàn cho người qua đường.

Mô hình 3D của nhóm thiết kế về hệ thống trạm xe buýt trên dải phân cách và cầu bộ hành tại các giao lộ
Mô hình 3D của nhóm thiết kế về hệ thống trạm xe buýt trên dải phân cách và cầu bộ hành tại các giao lộ

Bức xúc từ thực tế kẹt xe

Nhiều lần đến trường và phải di chuyển qua ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh, TPHCM) nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM (gồm các bạn Nguyễn Quốc Cường, Phạm Hoàng Minh và Hoàng Anh Tiến) không ít lần chịu cảnh chờ đợi hàng chục phút vì kẹt xe vào giờ cao điểm. Là kỹ sư giao thông tương lai, các thành viên nhóm đều có chung nhận định, khu vực này hoàn toàn có thể tổ chức lại giao thông để giảm kẹt xe.

Nguyễn Quốc Cường, trưởng nhóm phân tích, giao lộ Hàng Xanh được xem là cửa ngõ kết nối trung tâm thành phố với quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức… nên mật độ phương tiện lưu thông khá cao. Mặt khác, khu vực này gần Trường ĐH HUTECH, ĐH Ngoại thương cơ sở 2, ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM, THPT Gia Định, THCS Đống Đa… nên học sinh, sinh viên thường phải băng qua đường rất nguy hiểm.

Theo thống kê, mỗi ngày tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Gia Trí có từ 1 đến 2 vụ va chạm giữa người đi bộ và xe máy khi băng qua đường. Mỗi ngày có hàng nghìn sinh viên di chuyển, đón xe buýt, vì thế, áp lực giao thông ngày càng lớn.

Ý tưởng của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Giao thông xanh do Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp với Thành đoàn TPHCM tổ chức vừa qua. 

“Qua việc khảo sát thực tế, nhóm nhận thấy, thời điểm kẹt xe nghiêm trọng nhất trong ngày từ 7 giờ đến 7 giờ 30 sáng và 18 giờ đến 18 giờ 30 tối. Ngoài việc lượng xe đông, tại khu vực góc đường Nguyễn Gia Trí, Điện Biên Phủ có đến 9 tuyến xe buýt đi qua nên tình hình kẹt xe thêm nghiêm trọng”- Cường nói.

Kết luận của nhóm dựa trên cơ sở khảo sát người dân sống trong khu vực, đặc biệt là các sinh viên thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Phân tích kỹ hơn, nhóm đưa ra kết luận, xe buýt chính là “thủ phạm” khiến tình hình kẹt xe nghiêm trọng hơn. Bằng chứng là vào những lúc cao điểm, có 3 đến 4 xe buýt cùng vào trạm đón trả khách. Hoạt động này làm cắt dòng lưu thông của các làn xe bên cạnh, cản trở các loại phương tiện khi tham gia giao thông. Ngoài ra, khu vực này cũng là nơi đón trả khách của một số hãng xe liên tỉnh nên giao thông “tắc càng thêm tắc”.

Các thành viên nhóm nhận giải thưởng tại cuộc thi Giao thông xanh năm 2018
  • Các thành viên nhóm nhận giải thưởng tại cuộc thi Giao thông xanh năm 2018

Cầu vượt, trạm xe buýt – giải pháp giảm kẹt xe

Khảo sát thực tế, nhóm đưa ra đề xuất có thể phân luồng và giảm kẹt xe cho khu vực này bằng việc xây dựng cầu bộ hành kết hợp bến xe buýt thông minh với tên gọi CPBS (The Combination of pedestrian cross bridge and bus station). Mô hình là sự kết hợp của cầu bộ hành nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi sang đường và trạm xe buýt được bố trí tại dải phân cách.

Theo Hoàng Anh Tiến, thành viên nhóm, CPBS sẽ có 3 trạm xe buýt ở khu vực này, trong đó có 2 trạm được đặt ngay trên dải phân cách đường Điện Biên Phủ nhằm giảm kẹt xe. Xe buýt sẽ dừng ngay trên làn đường di chuyển của mình và không phải rẽ vào sát vỉa hè để đón trả khách.

Ở khu vực này cũng sẽ được bố trí cầu vượt bộ hành nhằm kết nối 3 trạm xe buýt với nhau bằng các lối ra của cầu vượt. Điều này sẽ giúp người đi bộ qua đường hoặc đón xe buýt một cách an toàn và thuận lợi hơn.

“Phương án di chuyển sau khi bố trí mô hình không những đáp ứng nhu cầu cho người đi bộ về thời gian và quãng đường mà còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng phương tiện công cộng”- Tiến cho biết.

Nhóm cũng đề xuất ý tưởng lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái của cầu bộ hành nhằm cung cấp năng lượng cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông và đèn cung cấp ánh sáng vào ban đêm cho khu vực.

Tuy nhiên, một vấn đề mà nhóm còn băn khoăn, với mô hình CPBS các xe buýt sẽ phải thay đổi hệ thống cửa lên xuống. Nhóm đang liên hệ với Sở Giao thông - Vận tải TPHCM để có thể chia sẻ cụ thể hơn nhằm đưa mô hình này thực hiện thí điểm. Sau khi đánh giá hiệu quả có thể triển khai ở một số khu vực khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.