Sính lễ hôn nhân của người K’Ho ở Lâm Đồng: Góc nhìn của người trong cuộc

GD&TĐ - Trước, gái - trai K’Ho yêu nhau, muốn tiến tới sống chung một nhà, nhà gái sẽ đến thưa chuyện cùng nhà trai, xin bắt rể. Bấy giờ, nhà trai đề nghị nhà gái đưa cho nhà trai một số sính lễ. Một khi yêu cầu của nhà trai được nhà gái đáp ứng, mặc nhiên đôi gái - trai K’Ho kia trở thành vợ - chồng. Nay, tập tục cổ xưa ấy bị cho là hủ tục - hủ tục thách cưới - nên cần phải loại bỏ.

Người K’Ho trong lễ hội truyền thống
Người K’Ho trong lễ hội truyền thống

Hủ tục?

Tập tục người K’Ho quy định, muốn bắt được chồng, người con gái phải chịu những lễ vật cưới xin do nhà trai yêu cầu. Nếu người con trai giỏi giang, thì người con gái sẽ phải đưa cho nhà trai nhiều lễ vật giá trị. “Việc nhà gái đưa lễ vật cưới xin cho nhà trai là cần thiết và hợp lý. Bởi khi đồng ý cho con mình về ở rể phía nhà gái cũng có nghĩa gia đình nhà trai mất đi một lao động”, ông K’Lưu (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) chia sẻ.

Trong khi đó, già làng Krajan Ha Xuyên (xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông) lại bảo: “Tập tục từ xưa này đôi lúc cũng mang lại những phiền toái nhất định cho chính người trong cuộc. Trên thực tế, nhiều gia đình nhà gái đã lâm phải cảnh nợ nần vì lo sắm sửa lễ vật cưới xin cho con, theo yêu cầu của gia đình nhà trai”.

“Gặp trường hợp nhà gái khá giả thì chẳng nói làm gì, chứ gặp nhà gái nào nghèo thì việc ra giá quá cao của nhà trai quả thật là một gánh nặng. Vì không có tiền, nhà gái buộc phải đi vay tiền ngân hàng hoặc bán đất để có tiền lo liệu lễ vật cưới xin cho con. Sau đó, nhà gái lại phải gồng mình lên để trả nợ”, già làng Krajan Ha Xuyên nói.

Già làng Krajan Ha Xuyên thông tin thêm: “Thường thì gia đình nhà gái phải sắm nhiều lễ vật giá trị như vàng (1 - 2 cây vàng), vòng cườm (3 - 4 triệu đồng), khăn đắp (khoảng 1,5 triệu đồng), gùi hoa và một số vật dụng thiết yếu khác để bắt chồng cho con. Thậm chí, có gia đình nhà trai yêu cầu gia đình nhà gái phải đưa 100 triệu đồng thì mới đồng ý để con trai mình về ở rể bên phía nhà vợ”. 

Nói về điều này, bà Lơ Mu Ka Mê Linh (xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông) lộ rõ sự lo lắng: “Cứ vay 1 triệu đồng, tôi phải trả lãi 30.000 đồng. Số tiền vay càng lớn, số tiền lãi phải trả càng nhiều. Thế là nợ lại đẻ thêm nợ”. Bà Lơ Mu Ka Mê Linh có 5 người con gái. Hiện tại, 4 cô con gái lớn đã lập gia đình, chỉ còn cô con gái út là chưa bắt rể. Món nợ bắt rể cho 4 đứa con gái lớn khiến bà Lơ Mu Ka Mê Linh và đứa con gái út phải gồng mình lên trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa trả hết.

Trai gái K’ho tỏ tình

Trai gái K’ho tỏ tình

 Góc nhìn khác

Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến tập tục bắt chồng của người K’Ho bị cho là lạc hậu, ấu trĩ? Ông K’Tơn (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) không nghĩ như vậy! Theo ông K’Tơn, tập tục này cần phải được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ, tránh cái nhìn một chiều, áp đặt. Bởi lẽ ngay cả việc ra giá quá cao cũng có cái hay riêng.

Ông K’Tơn nêu ví dụ: “Một chàng rể có giá cao, ngoài việc được nhà gái tôn trọng, chắc chắn rất khó bỏ vợ, nếu đời sống sau hôn nhân xảy ra chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Vì khi ly hôn, chàng rể sẽ phải trả lại toàn bộ số lễ vật bắt chồng cho nhà gái. Biết đâu đấy lại là lý do để vợ chồng sống nhường nhịn nhau, gia đình cũng theo đó mà ổn định”.

Bà Moul Thoan (xã Gung Ré, huyện Di Linh) bày tỏ sự đồng tình: “Theo tập tục K’Ho, mục đích của việc nhà trai đưa ra yêu cầu sính lễ là để con trai mình không bị nhà gái coi thường, khinh rẻ. Song, cái cốt yếu vẫn là ở con cái. Nếu con trai mình đã yêu thương con gái người ta thì nhà trai khắc biết đưa ra yêu cầu sính lễ cưới xin là bao nhiêu để không trở thành gánh nặng cho nhà gái. Thậm chí, nhà trai còn đưa tiền của cho nhà gái, rồi cùng lo tổ chức cưới xin”.

“Chẳng có người làm cha làm mẹ nào lại hẹp hòi đến nỗi cấm cản hạnh phúc của con chỉ vì tập tục cả. Miễn là con cái được hạnh phúc thì cha mẹ có thiệt thòi một chút cũng chả sao”,bà Ka Nhop (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) nhấn mạnh.

Tuy vậy, bà Moul Thoan cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Tất nhiên, chuyện lợi dụng tập tục, làm biến tướng nét văn hóa truyền thống của cha ông, làm người trong cuộc dở khóc, dở cười không phải là không có. Nó vẫn xảy ra ở một số nhà và một số nơi. Nhưng tôi dám chắc rằng, số người này không nhiều. Bởi tập tục sinh ra là để làm quy chuẩn ứng xử trong cộng đồng, chứ không phải để ngáng trở, gây khó lên cộng đồng”.

Bà Krajan Ka Lin (xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông) phấn khởi khoe: “Giờ, khác rồi! Thay vì để một mình nhà gái lo, từ sắm sửa lễ vật đến tổ chức cưới xin như trước, ngày nay nhà trai và nhà gái cùng nhau lo liệu. Tiền bà con, lối xóm mừng đám cưới, nhà trai cũng đưa hết cho nhà gái để đôi vợ chồng trẻ có vốn làm ăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ