Sinh khí mới cho ngành Giáo dục

Sinh khí mới cho ngành Giáo dục
Các trường học tích cực tham gia vào đổi mới. Ảnh: Lê Văn
Các trường học tích cực tham gia vào đổi mới. Ảnh: Lê Văn

(GD&TĐ) - Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người mà kết quả sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đất nước. Trong công cuộc đổi mới đó, chắc chắn có rất nhiều khó khăn. Do đó, ngay từ mỗi cơ sở giáo dục cần có sự quyết tâm, đồng lòng để đi tới thành công.

Chuyển động từ cơ sở

Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH ...”  như một luồng gió mới mang sinh khí cho toàn ngành, phụ huynh, học sinh, giáo viên và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương - Đó là nhận xét của thầy Lê Bá Thiềm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). 

Đề án đã nhận được sự đón nhận với niềm hi vọng và nghiêm túc cùng quyết tâm rất cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên trong toàn ngành. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục, các nhà trường đã tổ chức thực hiện ký giao ước thi đua nâng cao chất lượng giáo dục và công khai chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai thu chi tài chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... 

Mặt khác, công tác thi đua khen thưởng cũng từng bước được đổi mới, được thực hiện lồng ghép và tổ chức thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngay từ đầu năm học, các đơn vị trường học tại Hồng Lĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc tiếp cận với Đề án đổi mới.

Quán triệt tinh thần của Đề án, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

Cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn về điều chỉnh nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh, phương pháp sử dụng và quản lý đồ dùng dạy học. Với những kiến thức mới được trang bị, cán bộ giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dạy học trong tình hình mới, sẵn sàng tâm thế để chung tay thực hiện Đề án một cách có hiệu quả. 

ThS Đỗ Hữu Tặng - Hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng (Hải Phòng) - cũng cho biết, để chuẩn bị cho Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhà trường đã quan tâm chú trọng tới công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ giáo viên. Hiện nay, được nhà trường tạo điều kiện, nhiều cán bộ giáo viên đã đăng ký đi học nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn trình độ (đã có tới 15% số cán bộ, giáo viên có trình độ cao học).

Đặc biệt, Trường THPT Bạch Đằng còn làm khá quyết liệt việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Từ đó, giáo viên đã tham gia tích cực vào các chu kỳ bồi dưỡng, tập huấn trong hè và trong năm học. Nhiều giáo viên sử dụng thành thạo CNTT để ứng dụng trong các bài giảng điện tử. Đến nay, đã có trên 90% giáo viên có thể sử dụng tốt CNTT...

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như một luồng gió mới thổi vào toàn ngành Giáo dục. Ảnh: Lê Văn
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như một luồng gió mới thổi vào toàn ngành Giáo dục. Ảnh: Lê Văn

Thuận lợi đồng hành cùng thách thức

Có thể nói, với việc thực hiện Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại cơ sở sẽ gặp những thuận lợi  và khó khăn nhất định. 

Về thuận lợi, theo nhận xét của thầy Thiềm, đây chính là bước đột phá về đổi mới quản lý giáo dục, đặc biệt là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giám sát cho các nhà trường; Tạo điều kiện cho nhà trường được phát huy trí tuệ, được sáng tạo và tự do học thuật. Khi kiểm tra đánh giá chỉ xem có đi đúng hành lang pháp luật, chứ không phải có làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên hay không. Quản lý như vậy thể hiện sự dân chủ, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người làm, của cơ sở.

Theo tinh thần đó, trong quản lý chuyên môn, các trường sẽ có chương trình riêng phù hợp với chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Hay như việc quản lý chất lượng, Đề án coi trọng cả quản lý đầu ra, quản lý đầu vào và quản lý quá trình. Cách quản lý như vậy nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm mà ở đây chính là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước... 

Mặt khác, Đề án cũng đề cập tới việc đổi mới phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới kiểm tra đánh giá - Đây là hướng đi coi trọng, tăng cường đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả giáo dục. Và tổng hợp lại kết quả chung là học sinh đạt được gì, làm được gì, tiếp đó phân tích điều tra được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục như yếu tố giáo viên, yếu tố cơ sở vật chất, chương trình, sách giáo khoa... 

Song, bên cạnh những thuận lợi nhất định, việc triển khai Đề án của cơ sở, theo ông Thiềm sẽ gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất chính là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn thiếu và lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu khi triển khai thực hiện các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học mới mang tính hiện đại phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế. 

Cùng đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa đảm bảo về chất lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt kĩ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ còn hạn chế. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sức ì lớn, chậm đổi mới, né tránh việc thực hiện các phương pháp dạy học tiên tiến. Học sinh ở các vùng xa trung tâm kĩ năng giao tiếp còn hạn chế. Điều kiện đầu tư của phụ huynh dành cho việc học tập của con em chưa đảm bảo yêu cầu...

Với những khó khăn đã nêu ra, cần có một sự thay đổi toàn diện cả về nội dung, phương  pháp, cách làm... từ các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân” là đột phá chiến lược. Vì vậy, “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là cần thiết và đòi hỏi cần được xem xét toàn diện, khoa học với tầm nhìn chiến lược.

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ