Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường: Hội tụ, chia sẻ kinh nghiệm hay

GD&TĐ - Trong buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, giáo viên từ thực tế đứng lớp nêu ý kiến về những khó khăn để cùng nhau tháo gỡ, nhiều bài học kinh nghiệm hay được các thầy cô chia sẻ.

Cô giáo Tào Thị Thái Thanh chia sẻ về kinh nghiệm dạy môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9.
Cô giáo Tào Thị Thái Thanh chia sẻ về kinh nghiệm dạy môn Ngữ văn cho học sinh lớp 9.

Đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong dạy học, việc trao đổi kinh nghiệm áp dụng từ thực tế đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Nhân rộng cách làm hay

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, ông Vương Văn Bằng chia sẻ: Ở các cuộc sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, cán bộ quản lý và giáo viên được thảo luận trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy học hiệu quả cho từng đối tượng học sinh và vùng miền. Đây là bài học quý báu vì không phải thầy cô nào cũng dạy học tốt môn của mình. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện thay sách ở cấp tiểu học và THCS, tới đây là THPT nên những đổi mới sáng tạo này sẽ hiệu quả hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, trong từng môn học. Cái hay của sinh hoạt chuyên đề là giáo viên nêu bài học của mình và nhận được kinh nghiệm hay của đồng nghiệp.

Thúc đẩy sinh hoạt chuyên môn theo cụm trở thành hoạt động thường xuyên, được Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên thực hiện hiệu quả thời gian qua. Trưởng phòng GD&ĐT Vũ Thế Long cho biết: Với một huyện miền núi như Trấn Yên, đây là hoạt động chuyên môn hữu ích, tác động tích cực tới công tác tự bồi dưỡng giáo viên, tới chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Từ đó giải quyết các vấn đề thực tiễn của các đơn vị đặt ra, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

“Ở những buổi sinh hoạt này, cô giáo ở thị trấn, thầy giáo ở vùng cao, cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách dạy hay, bù đắp kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số thế nào cho hiệu quả trong từng môn học. Chúng tôi cũng yêu cầu các cụm chú trọng vào việc trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018”, ông Vũ Thế Long trao đổi.

Các thầy, cô giáo (ngồi hàng dưới) và các em học sinh dự buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trực tiếp bằng giờ dạy học Ngữ văn lớp 9.
Các thầy, cô giáo (ngồi hàng dưới) và các em học sinh dự buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trực tiếp bằng giờ dạy học Ngữ văn lớp 9.

Hấp dẫn buổi sinh hoạt chuyên môn

Ngày 7/5, tại Trường Tiểu học & THCS Cường Thịnh (huyện Trấn Yên), Cụm chuyên môn số 2 gồm các trường: THCS thị trấn Cổ Phúc, Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS, Tiểu học & THCS Cường Thịnh, Trường Tiểu học & THCS Minh Quán và Trường Tiểu học & THCS Nga Quán đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng kế hoạch bài dạy theo chủ đề ôn tập, phương pháp dạy ôn tập cho học sinh lớp 9” năm học 2021 - 2022. Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn lớp 9 các trường cùng tham gia buổi sinh hoạt.

Để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chuyên môn này, các thầy, cô giáo đã tìm hiểu kỹ nhiều nội dung liên quan đến hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy - ôn tập cho học sinh lớp 9 năm học 2021 – 2022. Sau đó, thầy cô cùng trao đổi, thảo luận để có cách dạy hay nhất.

Cô Mai Trà Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Cường Thịnh, chia sẻ: Nội dung giảng dạy tiết học là “Ôn tập phần Đọc hiểu thơ hiện đại Việt Nam”, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 9 đã tiến hành nghiên cứu, phân tích bài học, trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm cho tiết học. Nhiều thầy cô đã đưa ra những kinh nghiệm hay có thể áp dụng để tiết học thành công hơn nữa. Cái hay ở buổi sinh hoạt chuyên môn là sau tiết học, tất cả cùng thảo luận cởi mở để đi đến thống nhất về quy trình khi giảng dạy tiết ôn tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh đạt hiệu quả tốt nhất, phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. “Chúng tôi thấy buổi sinh hoạt này rất ý nghĩa. Giáo viên tham dự sinh hoạt chuyên đề có thể học hỏi, lựa chọn và áp dụng hiệu quả tại lớp, trường của mình”, cô Mai Trà Lý nhìn nhận.

Là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Trấn Yên, với cô Nguyễn Thị Hiền và Ngô Thị Hằng, buổi sinh hoạt chuyên đề có ý nghĩa đối với thầy và trò nhà trường. Học sinh là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Cao Lan, Mường, nhiều em nhà ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nên thầy, cô giáo và học sinh rất háo hức khi được tiếp cận những giờ dạy hay, hấp dẫn. “Đây là một trong những hoạt động bổ ích, đi vào thực chất, có hiệu quả, nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu triển khai và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chúng tôi đến với buổi sinh hoạt chuyên đề không chỉ để nghe, mà còn chia sẻ kinh nghiệm về cách thức tiếp cận hiệu quả với học sinh người dân tộc thiểu số”, cô Hiền thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.