Sinh hoạt chuyên môn trực tuyến: Nắm bắt khó khăn để kịp thời hỗ trợ

GD&TĐ - Ở nhiều địa phương, dù giai đoạn tạm dừng đến trường kéo dài, nhưng hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong các nhà trường vẫn được coi trọng và duy trì thường xuyên.

Hoạt động chuyên môn theo hình thức trực tuyến tại Trường Tiểu học Mạn Lạn (Thanh Ba, Phú Thọ). Ảnh: NT
Hoạt động chuyên môn theo hình thức trực tuyến tại Trường Tiểu học Mạn Lạn (Thanh Ba, Phú Thọ). Ảnh: NT

Sinh hoạt chuyên môn không đứt gãy

Khẳng định hoạt động dự giờ, sinh hoạt chuyên môn vẫn được chú trọng trong giai đoạn dạy học trực tuyến, thầy Trang Minh Thiên, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Cần Thơ, cho biết: Hiệu trưởng sẽ dự giờ đột xuất các lớp. Các phó hiệu trưởng cùng 2 tổ trưởng chuyên môn thường xuyên dự giờ để quan sát thầy cô trong quá trình dạy; ghi nhận ưu điểm, hạn chế (nếu có). Sau mỗi tuần đều có nhận xét rút kinh nghiệm (không nêu cụ thể tên giáo viên), giúp thầy cô hoàn thiện hơn trong tiết dạy của mình. Cách làm này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng bài giảng và phương pháp, cách tổ chức giờ dạy trực tuyến của nhà trường.

Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên, việc dự giờ, sinh hoạt chuyên môn vẫn được chú trọng thực hiện theo quy định. Tuy vậy, theo chia sẻ của thầy Chu Văn Phương, giáo viên nhà trường, cách thức tổ chức, thực hiện dự giờ, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến có sự khác biệt so với trực tiếp. Theo đó, các tổ chuyên môn cho giáo viên đăng ký giờ linh hoạt, không trùng nhau; gửi lịch về ban chuyên môn. Ban giám hiệu, ban chuyên môn nhà trường, giáo viên các bộ môn nếu không có giờ dạy đều có thể dự giờ đồng nghiệp thông qua đường link. Dự giờ và sinh hoạt chuyên môn trực tuyến nên giáo viên dự không phải di chuyển địa điểm, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Thông tin dự giờ, sinh hoạt chuyên môn vẫn được chú trọng và thực hiện đều tay ở các nhóm bộ môn, thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hoà Bình, Vĩnh Long, chia sẻ: Cách thức thực hiện sinh hoạt chuyên môn không khác nhiều so với hình thức trực tiếp; hoạt động dự giờ có một số điểm khác nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả.

Việc dự giờ trực tuyến có ưu điểm là tiết kiệm thời gian đi lại của giáo viên, học sinh; tiện lợi trong trình chiếu, chia sẻ hình ảnh và video giúp bài học thêm sinh động; không bị hạn chế trong không gian phòng học nên số lượng học sinh, giáo viên dự được nhiều hơn; có thể lưu bài dạy sau buổi học, học sinh chưa hiểu có thể mở ra xem lại.

Tuy nhiên, một số khó khăn gặp phải với giáo viên chưa thành thạo công nghệ và với học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến; khả năng tương tác giữa học sinh với học sinh (hoạt động nhóm) có phần bị hạn chế so với học trực tiếp; chất lượng tiết học phụ thuộc vào tốc độ đường truyền Internet, phương tiện học. Khâu quản lý cũng gặp khó khăn do đa số học sinh ngại mở camera khi học…

Không nặng hành chính, tạo áp lực cho giáo viên

Để việc triển khai tại trường để dự giờ, sinh hoạt chuyên môn trong điều kiện tạm dừng đến trường được hiệu quả, kinh nghiệm được thầy Nguyễn Hồng Bảo chia sẻ trước hết là cần tuyên truyền về ý thức học tập cho học sinh và tinh thần sẵn sàng tiếp cận cái mới của giáo viên ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch rõ ràng, phân công, phân nhiệm cụ thể. Tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, cũng như các phần mềm hỗ trợ trong dạy học thông qua các tiết dự giờ dạy mẫu cho giáo viên. Phân công giáo viên Tin học, hoặc một số giáo viên có kĩ năng công nghệ thông tin tốt hỗ trợ các đồng nghiệp lớn tuổi hoặc còn hạn chế về khả năng sử dụng, chuẩn bị tốt hơn cho các tiết dự giờ. Khuyến khích các nhóm bộ môn tăng cường dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến (có thể tổ chức các cuộc thi, hội giảng, thao giảng hoặc đưa vào tiêu chí cộng điểm thi đua…).

Trong điều kiện tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học, công tác chuyên môn càng phải được các tổ chuyên môn trong nhà trường quan tâm. Nhấn mạnh điều này, thầy Chu Văn Phương cho rằng: Để hoạt động sinh hoạt chuyên môn được hiệu quả, các tổ chuyên môn nên tích cực đẩy mạnh sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học; tập trung xác định phạm vi kiến thức trọng tâm trong mỗi giờ học; lựa chọn phương pháp dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế, đối tượng học sinh, gia tăng tương tác với người học,…

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học trực tuyến nên được thẳng thắn chia sẻ để cùng tháo gỡ. Các thành viên trong tổ chuyên môn cũng có thể chia sẻ với nhau ý tưởng hay, những giải pháp khả dĩ,… mà mình đã áp dụng thành công trong giờ dạy. Bên cạnh đó, bố trí dự giờ đồng nghiệp cũng là hoạt động cần được duy trì để giáo viên có thể học hỏi lẫn nhau qua tiết dạy cụ thể.

Nội dung sinh hoạt chuyên môn tập trung về trao đổi, thảo luận việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực trong dạy học trực tuyến; cách sử dụng phần mềm, ứng dụng trong dạy học trực tuyến. Thời lượng cần bảo đảm 2 lần/1 tháng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại An Giang, khẳng định của Phó Giám đốc sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, sinh hoạt tổ chuyên môn và sinh hoạt hội đồng bộ môn các cấp vẫn được duy trì thường xuyên theo quy định bằng hình thức trực tuyến; kể cả việc khuyến khích các tổ chuyên môn tăng cường trao đổi, thảo luận qua nhóm Zalo hay hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp khác nhằm chia sẻ, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học trực tuyến.

Quan điểm xuyên suốt các cấp học là tập trung sự đóng góp, trí tuệ của tất cả thầy cô nhằm từng bước nâng dần hiệu quả dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hình thức trực tuyến. Đối với những nội dung liên quan đến công tác hành chính thì thông tin qua email, Zalo… không tổ chức các cuộc họp không cần thiết.

Đối với công tác dự giờ, quan điểm thực hiện vẫn là tập trung cho chuyên môn, thông qua dự giờ để các cấp quản lý, đồng nghiệp cùng tổ chuyên môn nắm bắt khó khăn hỗ trợ nhau giải pháp khắc phục, tuyệt đối không dự giờ để kiểm tra hành chính, để đủ “chỉ tiêu” theo quy định hay để tạo thêm áp lực cho giáo viên.

Dự giờ và hoạt động chuyên môn tại Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) diễn ra đều đặn; đặc biệt, khi dạy học trực tuyến, việc dự giờ thăm lớp càng được chú trọng nhiều hơn và bảo đảm hiệu quả. “Giáo viên dễ dàng dự giờ online với các lớp và theo dõi được toàn bộ quá trình lên lớp của đồng nghiệp. Trên thực tế, khi dạy trực tuyến, thầy cô rất chú trọng đến chuyên môn nên giờ giảng đều hiệu quả, học sinh hứng thú” - thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ