Nguyên nhân của vấn đề này đến từ việc tỷ lệ sinh tại đảo quốc sư tử giảm trong nhiều năm.
Hai trường đầu tiên phải sáp nhập vào năm 2022 là Trường Tiểu học Juying (JYPS) và Trường Tiểu học Pioneer.
Trụ sở trường sẽ đặt tại JYPS. Bộ Giáo dục Singapore cho biết hai trường trên phải sáp nhập sớm hơn kế hoạch so với các trường còn lại để nhường chỗ xây dựng tuyến tàu điện ngầm mở rộng tại khu vực Jurong.
Đến tháng 1/2025, trường sáp nhập sẽ được di dời đến một điểm trường mới ở quận Tengah. Đây cũng là trường tiểu học đầu tiên tại khu vực này. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, trường sáp nhập sẽ không tuyển sinh học sinh lớp 1 từ bây giờ đến khi chuyển sang cơ sở mới tại Tengah.
Hiện, học sinh hai trường tiếp tục học tập theo chương trình phổ thông tại JYPS. Dự kiến, lứa học sinh lớp 1 tuyển sinh từ năm 2021 sẽ tốt nghiệp vào năm 2026.
Lee Wai Ling, Hiệu trưởng Trường TH Pioneer, bày tỏ: “Thật buồn và khó khăn vì chúng tôi vừa tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường vào năm 2020. Nhiều nhân viên đã gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp các em chuyển đổi sang môi trường học tập mới”.
Ngoài JYPS và Trường TH Pinoneer, 14 trường khác sẽ sáp nhập vào năm 2023 và 2 trường sáp nhập vào năm 2024. Trước đó, từ năm 2010, 68 trường tại Singapore đã được sáp nhập, trong đó có 8 trường cao đẳng.
Những trường học nằm trong khu vực dành cho người trẻ, nơi có ít gia đình sinh sống, bị ảnh hưởng lớn. Đồng thời, 23 trường khác được thành lập trong khoảng thời gian này. Phấn lớn là các trường tiểu học tại khu đô thị mới ở Punggol, Sengkang.
Tỷ lệ sinh giảm đóng một phần rất lớn trong việc sáp nhập các trường phổ thông. Năm 2020, hơn 38.000 trẻ Singapore được sinh ra, con số thấp nhất kể từ năm 2010 với hơn 37.900 em. Bộ Giáo dục thông tin, trong những năm 1990, trung bình hàng năm, tỷ lệ sinh đạt khoảng 46.000 em.
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục cho biết: “Cả nước đang ghi nhận sự sụt giảm về số lượng học sinh phổ thông nhưng đồng thời, sự phân bổ học sinh theo địa bàn sinh sống là không đồng đều. Do đó, chúng ta cần xem xét sáp nhập các trường học ở khu vực nhu cầu giáo dục thấp, so với những khu vực yêu cầu giáo dục cao, như những khu đô thị mới”.
Bộ Giáo dục từ chối chia sẻ số giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng từ kế hoạch sáp nhập. Song bộ nhấn mạnh rằng, không có giáo viên nào phải nghỉ việc trong tình huống này. Thay vào đó, giáo viên sẽ được phân công lại công việc, dạy học sinh ở các cấp khác. Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho những giáo viên này nếu cần thiết.
Việc sáp nhập cho phép học sinh trải nghiệm môi trường học đầy đủ, chuyên nghiệp hơn. Các trường sẽ đẩy mạnh tổ chức các môn học kết hợp, các hoạt động ngoại khóa và khóa học lãnh đạo. Trong khi trước đó, những trường có số lượng tuyển sinh thấp thường không thể tổ chức các chương trình học quy mô lớn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của học sinh.
Trước khi sáp nhập, Bộ Giáo dục đã cân nhắc bốn yêu cầu chính cùng với các yếu tố cung - cầu của địa phương. Bốn tiêu chí gồm xu hướng tuyển sinh của các trường, vị trí địa lý giữa hai trường được sáp nhập, mức độ phù hợp giữa các đối tác sáp nhập và năng lực cơ sở hạ tầng của trường tiếp nhận.