Có thể nói, Freud đã mở ra cho các nhà tâm lí một hướng đi mới, đặt nền tảng mới khi nghiên cứu về con người dưới cái nhìn tâm lí.
Muốn làm chủ tâm trí con người
Sigmund Freud nguyên là bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Gia đình Freud là người Do Thái. Trong khi đó, ở Áo vào năm 1890, người Do Thái không được hoan nghênh. Mẹ ông, bà Amilia là người vợ thứ ba của bố ông, ông Jacob. Ông Jacob là một nhà buôn len và lớn hơn vợ 20 tuổi. Vì vậy, Sigmund Freud có hai người anh cùng cha khác mẹ chạc tuổi với mẹ mình và hai người cháu trai trạc tuổi với mình.
Ngoài ra, cậu còn có năm người em nữa. Chính các mối quan hệ trong gia đình cùng những trải nghiệm ở đó đã ảnh hưởng tới con người Freud sau này mà cậu không hề nhận ra.
Từ nhỏ, Freud đã rất chắc chắn là sau này mình sẽ trở nên nổi tiếng, nhưng cậu sẽ không thể chắc chắn như vậy nếu cha mẹ không có lòng tin vô bờ bến vào cậu. Freud đứng đầu lớp nhiều tới mức các giáo viên ngừng đặt câu hỏi cho cậu dù Freud học không quá giỏi môn Toán và Âm nhạc. Tuy nhiên, bố cậu thường hay nói: “Con trai Sigmund của tôi thông minh hơn tôi rất nhiều!”.
Sau này, ông để con trai ông tự do lựa chọn ngành mình muốn theo học ở đại học. Chính niềm tin đó của Jacob đã giúp Freud có nghị lực để vươn lên trong nhiều năm về sau, khi không ai tin ông, thậm chí bạn bè cũng xa lánh ông.
Ngay từ khi còn nhỏ, Freud đã rất hâm mộ Hannibal Barca, một vị tướng nổi tiếng của thành Carthage (thủ đô của nền văn minh cổ Carthage, nay thuộc Tunisia). Cậu bé cảm thấy ông thật gần gũi và thường dùng các binh sĩ đồ chơi để tái hiện lại những cuộc chiến của ông. Cậu mong ước sau này mình sẽ trở thành một nhà chinh phạt. Về sau, điều đó thực sự đã xảy ra dù nó khác xa với những gì cậu tưởng tượng.
Ở đại học, Freud theo học ngành Y khoa. Chàng thanh niên còn đọc sách với đủ các chủ đề, từ lịch sử về các hiệp sĩ cho tới triết học và khoa học tự nhiên. Hội họa, âm nhạc và kịch nghệ cũng nuôi dưỡng tâm hồn Freud.
Cuối cùng, ông nhận ra rằng, điều ông đang tìm kiếm ở ngay trước mắt mình, từ cái ngày Freud được sinh ra trong gia đình lớn phức tạp đó. Ông quan tâm tới con người! Thứ ông muốn làm chủ không phải là các dân tộc hay lãnh thổ, mà là một nơi tối tăm và bí ẩn chưa ai khai phá: Tâm trí con người.
Vào thời đó, nhiều căn bệnh có các triệu chứng kỳ lạ, chẳng hạn như chứng tê liệt, mù tạm thời, hay ảo giác. Các bác sĩ chưa thể chữa trị những chứng bệnh này. Ví dụ, một nữ bệnh nhân của Freud không có khả năng uống. Khi trò chuyện với cô ấy, ông phát hiện hóa ra cô ấy từng nhìn thấy người giúp việc cho con chó uống nước từ chiếc cốc của cô ấy, nhưng cô ấy lại không kêu ca gì. Sau khi được Freud giúp giải tỏa bức xúc trong lòng, cô ấy đã có thể uống nước trở lại. Chính cơn giận bị dồn nén đã gây ra chứng rối loạn của nữ bệnh nhân.
Ông rút ra kết luận rằng có một số triệu chứng ảnh hưởng tới cơ thể, nhưng căn nguyên của chúng lại nằm ở tâm lí. Và phương pháp chữa trị tâm lí tốt nhất chính là lời nói.
Và công việc làm “bác sĩ tâm lí” của Freud đã bắt đầu như thế. Giống như một người lính thực thụ, ngày nào ông cũng làm những việc giống nhau.
Freud thức dậy lúc 7 giờ, ăn sáng, cạo râu. Sau đó, đi thăm bệnh nhân và đúng 1 giờ trưa, ông ăn trưa… trong yên lặng vì còn mải suy nghĩ. Tiếp theo, Freud đi dạo cùng chú chó Jofi, rồi lại đi thăm các bệnh nhân khác.
Sau khi ăn tối, ông chơi bài với vợ và sáu đứa con. Cuối cùng, ông ngồi đọc và viết tới tận 2 giờ sáng. Freud quy định các cuộc gặp mặt tư vấn cho bệnh nhân chỉ kéo dài một tiếng. Ông thường để Jofi nằm gần mình khi đón tiếp bệnh nhân và nó đứng dậy tức là thời gian đã hết.
Trong những buổi tư vấn này, bệnh nhân sẽ nằm lên đi văng và kể cho ông nghe về các giấc mơ của họ. Nhờ có phương pháp này, các bệnh nhân còn nhớ lại những trải nghiệm thời thơ ấu của họ, dần dần, họ cảm thấy khá hơn.
Tin vào tiềm thức
Vào thời đó, người ta vẫn cho rằng, giấc mơ là thế giới ảo mộng không có giá trị. Còn Freud là người đầu tiên hiểu rằng giấc mơ chính là chìa khóa mở cánh cửa tâm trí và điều trị cho nó. Giấc mơ chính là những thông điệp đã được mã hóa. Nhưng ai đã gửi chúng và tại sao?
Có thể bạn đã từng cảm thấy giận dữ ngay cả khi không muốn, hay đinh ninh rằng có điều gì đó không đúng, hoặc cảm thấy sợ những con quái vật dù bạn biết rằng chúng không tồn tại. Nhà phân tâm học phát hiện ra rằng, bên trong chúng ta có một nơi bí mật gọi là “tiềm thức”.
Nơi đây lưu giữ những kỉ niệm, ước muốn và nỗi sợ của chúng ta. Chúng ta không thể biết hay nhớ được những gì có trong tiềm thức, như thể có một bức tường ngăn cách chúng ta với tiềm thức, ở đó có một cánh cổng và người bảo vệ. Vào ban đêm, khi người bảo vệ không còn tỉnh táo, một số nỗi sợ hãi hay mong ước của chúng ta cải trang, đi qua cánh cổng và bước vào giấc mơ của chúng ta.
Freud đã viết tất cả những điều này trong cuốn sách Giải mộng xuất bản vào năm 1900. Ông tin rằng, “những trực giác như thế này chỉ xảy ra một lần trong đời”. Dù cuốn sách không được đón nhận, cũng như không ai tin, ông vẫn theo đuổi nghiên cứu của mình.
Mười năm sau, phương pháp có tên là phân tâm học của Freud trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Ngày nay, nó được coi là một trong những phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay, mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông vẫn gây nhiều tranh cãi. Người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác. Nhưng các nhà khoa học cũng phải thừa nhận rằng, ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.
Đây chính là những gì mà nhà phân tâm học mơ ước khi còn nhỏ. Sau bao biến cố và hàng nghìn cuộc chiến, ông không cần dùng tới kiếm hay khiên mà vẫn có thể chinh phục được cả thế giới: Đó là tiềm thức.