Sâu bột nhiều protein
Sâu bột là một loài cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae, có tên tiếng Anh là Mealworms hay mealworm beetle. Vào năm 1758 được Linneus định tên khoa học là Tenebio molitor. Loài này có nguồn gốc ở châu Âu, nằm trong danh sách những loài côn trùng hại kho (ngũ cốc, bột mì và thực phẩm), nhưng không trầm trọng.
Ở Việt Nam, sâu bột được coi bắt nguồn từ Địa Trung Hải, nhưng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và xem là “mọt lạ” (sinh vật ngoại lai) với tên gọi “Mọt bột vàng”. Ấu trùng sâu bột bán nhiều ở Hà Nội dùng làm thức ăn cho chim cảnh.
Côn trùng làm thực phẩm chăn nuôi và cho người ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây. Chúng có thể đại diện cho một nguồn protein và vi chất dinh dưỡng thay thế so với các nguồn thịt thông thường.
Vì vậy, mục tiêu của công việc này là xác định giá trị dinh dưỡng cũng như mức độ ô nhiễm hóa học và vi sinh để đánh giá tốt hơn nguy cơ/lợi ích của việc tiêu thụ ấu trùng sâu bột.
Những ấu trùng sâu bột có giá trị dinh dưỡng với 10,4% chất béo và 13,7% chất đạm, tương tự như các nguồn thịt thông thường. Axit béo chính của chúng là oleic (37,8%) và linoleic (33,2%). Kết quả cho thấy những ấu trùng này đáp ứng các yêu cầu về axit amin thiết yếu (tất cả đều trên 100% lượng đóng góp hàng ngày), ngoại trừ lysine.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ấu trùng T. monitor là một nguồn tuyệt vời của các khoáng chất như phốt pho, magiê và kẽm (114%, 109 đến 128% và 117% trên RDI). Mặc dù, có hàm lượng kali và sắt thấp (16 – 17% và 20% RDI).
Hàm lượng natri thấp hơn là một lợi thế về mặt sức khỏe, vì ăn nhiều sẽ làm tăng huyết áp. Giá trị thủy ngân và chì nằm dưới giới hạn phát hiện và mức cadimi là 0,10 mg/kg.
Ấu trùng sâu bột có lượng vi khuẩn cao nhưng không phát hiện thấy vi khuẩn gây bệnh. Nếu bỏ đói ấu trùng trong 8 ngày ở 5°C đã làm giảm tổng số vi sinh vật, đặc biệt là nấm men và tổng số vi khuẩn hình thành bào tử kỵ khí ưa nhiệt.
Được châu Âu cấp phép là thực phẩm
Mới đây, Cơ quan Giám sát an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EFSA) thông báo đã cấp chứng nhận an toàn đối với việc tiêu thụ sâu bột vàng sấy khô. Nó mở đường cho các nhà hàng trong khu vực cung cấp các loại thực phẩm từ côn trùng.
Lần đầu tiên EFSA chấp thuận một loài côn trùng làm thực phẩm là một bước tiến lớn giúp côn trùng tìm được “chỗ đứng” trong thực đơn hằng ngày của con người.
Đây là cơ sở để giới chức EU quyết định xem có cho phép bán mặt hàng này tại 27 nước trong khu vực hay không. Quyết định mới cũng đánh dấu quy trình đánh giá an toàn đối với một loại thực phẩm làm từ côn trùng lần đầu mà EFSA hoàn thiện, trong bối cảnh cơ quan này hướng tới cấp phép cho ngành chế biến thực phẩm giàu protein.
Hiện tại, châu Âu, côn trùng vẫn chưa có tên trên thực đơn của người dân. Bởi các vấn đề tâm lý và văn hóa, khác với thực tế ở một số nước châu Á như Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc…
Tuy vậy, với quyết định trên, ngành này kỳ vọng thị trường thực phẩm côn trùng ở châu Âu sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, đến năm 2030 đạt sản lượng 260.000 tấn.
Không chỉ sâu bột, dự báo sâu gạo (Zophobas morio) có lẽ không xa sẽ xoán ngôi tất cả các loại thực phẩm dinh dưỡng như thịt gà, bò, heo, sữa... để trở thành nguồn cung protein chính cho loài người trong tương lai. Việc nuôi sâu gạo chỉ chiếm 10% diện tích đất so với nuôi bò, 30% diện tích dành cho việc chăn nuôi lợn, 40% diện tích dành nuôi gà.
Trong khi đó, mức cung cấp chất đạm của loài sâu này lại cao tương đương với các loại thực phẩm kể trên. Ở Việt Nam, tuy sâu bột mới chỉ nhân nuôi phục vụ cho chim cảnh, nhưng các côn trùng khác như dế, cà cuống, sâu chít, sâu tre, kiến gai đen… đã được nhân nuôi hoặc khai thác ngoài tự nhiên để buôn bán làm thực phẩm cho người.
Những ích lợi khác
Kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford đã thông báo về khả năng kì diệu của sâu bột. Đó là chúng có thể ăn các loại nhựa xốp và các dạng khác của polystyrene.
Có một số loài côn trùng có khả năng phân hủy nhựa như sâu sáp Achroia grisella và Galleria mellonella hay ngài Địa Trung Hải (Plodia interpuncella)… có thể nhai, ăn và tiêu hóa nhựa làm túi đựng rác.
Trong ruột sâu bột có chứa nhiều loài vi sinh vật có khả năng phân hủy nhựa polyethylene (PE). 100 cá thể sâu bột có khả năng tiêu thụ 34 - 39 miligram xốp cách nhiệt, tương đương khối lượng một viên con nhộng mỗi ngày. Những ấu trùng ăn toàn xốp cách nhiệt cũng khỏe mạnh chẳng kém gì những con sâu ăn cám.
Sâu bột biến đổi nhựa thành CO2, sinh khối và chất thải có thể do bị phân hủy bởi vi khuẩn. Chất thải này có vẻ an toàn khi sử dụng làm phân bón cho cây.
Người ta đã thiết kế một khu nhân nuôi sâu bột với ba mục đích: Phân hủy nhựa, cung cấp thực phẩm cho con người và sử dụng chất thải để làm phân bón cho cây trồng.
Khu nhân nuôi sâu bột làm từ thủy tinh hữu cơ (plexiglass) và được thiết kế chia làm 4 tầng. Những con trưởng thành (đực và cái) sẽ được nuôi ở tầng trên cùng. Trứng của chúng khi đẻ ra sẽ rơi qua các lỗ nhỏ xuống tầng thứ hai. Tại đây, trứng sẽ nở thành ấu trùng và được cho ăn xốp.
Khi những con sâu bột lớn lên, chúng sẽ được chuyển qua tầng dưới thứ ba. Ở đây chúng được cho ăn bột để làm sạch ruột và hóa nhộng. Phân của sâu bột ở tầng ba sẽ rơi xuống tầng bốn và được thu thập để dùng làm phân bón.
Tại tầng ba, chúng ta có thể thu những con sâu bột để làm thực phẩm hoặc cho chúng phát triển thành trưởng thành và rồi đem ngược chúng lên lại tầng một trên cùng để tiếp tục chu trình nhân nuôi.
Các trang trại nuôi ấu trùng sâu bột có thể sản xuất nhiều protein có thể ăn được hơn so với các trang trại truyền thống nuôi gà, bò, lợn hoặc bò sữa đối với cùng một diện tích đất được sử dụng.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh các tác động môi trường của một trang trại nuôi sâu bột với các trang trại chăn nuôi truyền thống bằng cách sử dụng ba thông số.
Đó là đất sử dụng, nhu cầu năng lượng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Họ nhận thấy, đối với mỗi đơn vị protein ăn được sản xuất ra thì ở trang trại nuôi sâu bất cần đất và năng lượng ít hơn rất nhiều.