Siêu tàu ngầm Mỹ vẫn không đầu sau 2 năm đâm va

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Hải quân Mỹ vừa đăng tải những hình ảnh mới đầy bất ngờ về tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut sau 2 năm đâm phải núi ngầm trên Thái Bình Dương.

Hình ảnh mới nhất về tàu ngầm USS Connecticut.
Hình ảnh mới nhất về tàu ngầm USS Connecticut.

Theo Hải quân Mỹ, hình ảnh được ghi lại hồi đầu tháng 7/2023 khi tàu ngầm USS Connecticut đang neo đậu tại nhà máy đóng tàu hải quân Puget Sound ở Bremerton, Washington và đang trải qua một loạt sửa chữa dài hạn sẽ kéo dài.

USS Connecticut là một trong ba tàu ngầm lớp Seawolf tối tân nhất của Mỹ. Con tàu này đã gặp sự cố đâm phải núi ngầm vào ngày 2/10/2021 trên Thái Bình Dương. Sau sự cố, ước tính chi phí sửa chữa mũi tàu và bánh lái phía dưới sẽ tiêu tốn khoảng 80 triệu USD.

Mức chi phí này được cho là không quá tốn kém theo tiêu chuẩn của Lầu Năm Góc, nhưng khoảng thời gian con tàu cần chờ đợi để quay trở lại biển cả lại kéo dài không sớm hơn năm 2026.

Chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway cho biết: "Căn cứ vào hình ảnh mới nhất của USS Connecticut được công bố có thể thấy, công việc sửa chữa tàu rất chậm trễ. Phần đầu tàu bị hư hại do vụ đâm va vẫn nguyên vẹn và chưa có thay đổi nào so với thời điểm gặp nạn".

"Câu hỏi được đặt ra là Hải quân Mỹ sẽ sửa chữa hư hại thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột", bà Diana Maurer, người phụ trách đánh giá tính sẵn sàng chiến đấu của chính phủ Mỹ nói.

Mặc dù vậy, Hải quân Mỹ vẫn không công bố mức độ hư hỏng cụ thể và phương án hồi phục hoạt động tàu ngầm USS Connecticut sau vụ đâm va hôm 2/10/2021 mà chỉ thông báo nó đang được sửa chữa.

Hải quân Mỹ trước đó cho biết lò phản ứng hạt nhân và không gian bên trong tàu ngầm Connecticut làm đủ công năng và không bị ảnh hưởng. Hai quan chức quốc phòng Mỹ từng tiết lộ USS Connecticut đã bị hỏng bể dằn phía trước mũi.

Giới chuyên gia ban đầu cho rằng phía trên mũi tàu và vòm thủy âm không có dấu hiệu hư hại, nhưng một cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận định mũi tàu đã được tháo bỏ và hệ thống định vị thủy âm (sonar) của USS Connecticut đang chìm dưới nước.

Vụ va chạm có ảnh hưởng đáng kể tới năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.

Jay Stefany, Tướng Hải quân Mỹ cảnh báo sửa chữa USS Connecticut ở nhà máy thuộc sở hữu chính phủ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn, gián đoạn toàn bộ công việc, do các cơ sở này đang quá tải với sửa chữa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

USS Connecticut được thiết kế, để trở thành những thợ săn thực thụ với vũ khí chính là 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với các tàu ngầm trước đó. Cơ số đạn ngư lôi là 50 quả hạng nặng Mark 48; ngoài ra còn có tên lửa chống hạm Sub-Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk. Khi cần thiết, USS Connecticut có thể mang theo thủy lôi.

Theo Hải quân Mỹ, USS Connecticut và những tàu cùng lớp hoạt động êm hơn 10 lần, trong phạm vi tốc độ hoạt động, so với các tàu ngầm Los Angeles cải tiến, và yên tĩnh hơn 70 lần so với các tàu ngầm lớp Los Angeles nguyên bản.

USS Connecticut có thể chạy êm với tốc độ gấp đôi, so với những chiếc tàu ngầm trước đây. Vì vậy, việc USS Connecticut chậm trễ trong việc trở lại hoạt động ảnh hưởng lớn đến năng lực chiến đấu ngầm của Quân đội Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

(Minh họa/INT)

Lo ngại trước thời tiết cực đoan!

GD&TĐ - Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, 4 tháng đầu năm 2024, thời tiết trên cả nước đã có những diễn biến bất thường.