Lộ trình của Siêu tàu Margrethe Maersk từ cảng Tanjung Pelepas, Malaysia đi cảng Cái Mép, Việt Nam
Công ty Cổ phần Dịch vụ - Vận tải biển Hải Vân (Haivanship) đã điều động 3 tàu lai dắt để phục vụ, hỗ trợ cho siêu tàu Margrethe Maersk cập cảng.
Tàu Mirai hỗ trợ từ phao số 0. Hai tàu Sea Tiger và Kasuga hỗ trợ từ phao 17. Ngoài ra, Haivanship còn sắp xếp thêm tàu lai Kamiya dự phòng.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép - cho biết: Trước khi vào cảng này, siêu tàu Margrethe Maersk ở cảng Tanjung Pelepas (Malaysia) và rời cảng này đi tuyến dịch vụ Á – Âu để cập thử nghiệm vào cảng Cái Mép. Dự kiến tàu cập cảng vào 13 giờ 30 ngày 20/2. Sau khoảng 17 tiếng cập cảng, tàu sẽ rời cảng lúc 6 giờ sáng 21/2.
Tàu lớn nhất trước đó cũng cập cảng Cái Mép trong năm 2016, trọng tải ở mức 165.000 tấn.
Cảng Quốc tế Cái Mép của Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép nằm trong cụm cảng container Cái Mép. Cụm cảng này được biết đến như là cụm cảng nước sâu, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải trên 100.000 tấn.
Sự kiện siêu tàu container Margrethe Maersk cập cảng tiếp tục khẳng định vị thế của Cái Mép. Cái Mép chính thức trở thành cảng thứ 19 trên thế giới đủ khả năng tiếp nhận thế hệ tàu Triple-E 18.000 Teu. 1 TEU tương đương với một container 20 feet.
Các cảng khác khó đón tàu lớn do điều kiện tự nhiên, mức nước cạn hơn và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp. Cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) từng đón tàu lớn nhất tầm 40.000 tấn, sức chở khoảng 3.000 TEU. Cảng SPCT (khu công nghiệp đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cũng chỉ từng đón được tàu 54.000 tấn, tương đương hơn 30.000 TEU...
Siêu tàu container Margrethe Maersk của hãng tàu Maersk Line (Đan Mạch) có kích thước dài 399,2m, rộng 59m, trọng tải 194,000 DWT và sức chở lên đến 18.300 Teu. Đây là tàu thuộc thế hệ Triple-E, là thế hệ tàu “khổng lồ”, lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Cái tên Triple – E được lấy từ ba tiêu chí thiết kế của loại tàu này, đó là Economy of scale (Tiết kiệm chi phí nhờ hiệu suất sản xuất cao), Energy efficient (Tiết kiệm nhiên liệu) và Environmentally improved (Thân thiện với môi trường).
Con tàu thế hệ Triple-E có giá trị khoảng 1,9 tỉ USD. Được biết, hãng Maersk đã có kế hoạch đóng tàu từ năm 2011. Trước năm 2010, Maersk đóng tàu tại nhà máy ở Đan Mạch, nhưng sau đó, việc đóng tàu ở châu Á được xem là cạnh tranh hơn.
Sau khi loại bỏ phương án đóng siêu tàu ở châu Âu do chi phí cao, Maersk cũng không đóng tàu ở Trung Quốc vì lý do công nghệ. Cuối cùng Maersk đạ chọn Hàn Quốc đóng siêu tàu Triple-E. Phải mất hơn một năm để đóng được một con tàu này.
Loại siêu tàu này được Maersk xác định phục vụ tuyến đường Á – Âu, với dự đoán rằng xuất khẩu châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng.